Có một Tam Bạc thương nhớ
“Thành phố Cảng”, “Thành phố Hoa phượng đỏ”… hay cả những địa danh cầu Rào, cầu Đất, sông Tam Bạc, bến Bính… đã rất đỗi thân thuộc với không chỉ những người con xứ này.
Từ thế kỷ thứ XVII, việc buôn bán và đánh cá ở sông Tam Bạc đã khá phát triển và là sự khởi đầu của quá trình hình thành cảng Hải Phòng. Theo các cụ xưa kể lại, phố Tam Bạc được mở từ thời Pháp thuộc, đến thế kỷ XIX, diện mạo của phố được định hình khi giới kinh doanh người Pháp và người dân đến định cư kiến tạo. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi, tên một nhà tư sản lớn người Việt. Khi chính quyền cách mạng tiếp quản thành phố năm 1955 đã đổi tên phố thành Tam Bạc, vì tuyến phố chạy dọc theo dòng sông Tam Bạc.
![]() Hồ Tam Bạc được chỉnh trang hiện đại nhưng vẫn mang dấu ấn xưa |
Thực ra mặt trước của phố Tam Bạc là phố Lý Thường Kiệt. Bởi là mặt phố sau, người ta chỉ bố trí công trình phụ, cửa hậu, cửa sổ nhìn ra sông. Đa số mặt phố Tam Bạc chỉ dành cho công việc phụ, đưa hàng lên - xuống phục vụ những chủ buôn, chủ nhà ở cửa chính phía trước. Do vậy, “mặt phố” Tam Bạc cứ nhấp nhô, cao thấp, không giống bất kỳ tuyến phố nào quanh đó. Thế nhưng, như một sự bù trừ, chính sự thiệt thòi về mỹ quan kiến trúc ấy lại làm nên nét độc đáo cho mặt phố Tam Bạc, mà chẳng phải những vòm cuốn chuẩn mực, những lan can ban công hoa văn đắp nổi cầu kỳ, những đầu cột quý phái, những mái lợp đá uy nghiêm... theo nhiều trường phái kiến trúc. Chính những ô cửa sổ có hình dạng, kích thước và vị trí tùy tiện trên các bức tường cùng với sự biến đổi bất ưng của những khối nhà… đã làm thổn thức bao tâm hồn nghệ sĩ. Không chỉ cổ kính về kiến trúc, nếp sống ở phố Tam Bạc vẫn còn mang đậm hơi thở nhẹ nhàng của một phố chợ bình dị và yên ả ven sông, chưa bị lấn át bởi sự sôi động của nhịp sống hiện đại. Ngày nay, phố Tam Bạc trở thành phố cổ nằm ở khu vực trung tâm thành phố với vẻ đẹp đi vào những tác phẩm nghệ thuật và ghi dấu sâu đậm vào lòng mỗi người dân Hải Phòng.
Chính bởi thế, chính quyền và người dân thành phố này đã gìn giữ nét xưa trong lòng đô thị đang từng bước hiện đại hóa. Thành phố đã đầu tư nâng cấp đường Tam Bạc, tu bổ và kè đá hai bên bờ sông, dựng hệ thống lan can với các họa tiết phù hợp với không gian cùng hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ tạo sự lung linh huyền ảo cho cả tuyến đường mỗi khi đêm về. Và đó cũng là không gian sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người dân thành phố cũng như phát triển du lịch.
Điều đáng nói, trong quá trình chỉnh trang đô thị, việc quy hoạch nâng cấp đường Tam Bạc vẫn giữ lại những nét cổ xưa. Đó là mặt sau của các khu nhà các phố Lý Thường Kiệt, Tôn Đản kết hợp hài hòa với một số công trình kiến trúc mới mọc lên tôn thêm vẻ đẹp vốn có của phố cổ Tam Bạc đã in đậm dấu ấn trong lòng người Hải Phòng. Một số biệt thự mới đối diện với đường Tam Bạc như một gam màu mới làm tăng giá trị của phố cổ Tam Bạc hôm nay…
“Sông Seine”… của Hải Phòng
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ, năm 2013, dải Trung tâm thành phố được chỉnh trang, cải tạo đã mang lại nhiều giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân. Nơi đây đã trở thành điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cùng với trục không gian cây xanh có giá trị về lịch sử, văn hóa và môi trường. Hệ thống vườn hoa được đầu tư khá đồng bộ, đèn chiếu sáng được lắp đặt và bố trí hài hòa cùng hàng trăm cây phượng vĩ tạo nên những nét riêng của Hải Phòng. Ngày nay, dải trung tâm thành phố là niềm tự hào của người dân, và là điểm tham quan hấp dẫn du khách. |
Mới đây, Đề án thí điểm phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc vừa được báo cáo, xin ý kiến cử tri và đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Khóa XV. Phần đông cử tri đồng tình, người dân háo hức, bởi phố đi bộ được kỳ vọng sẽ làm giàu thêm bản sắc đô thị Hải Phòng, tăng thêm sức hấp dẫn của thành phố.
Theo đề án, tuyến phố đi bộ tại tuyến hai bờ sông Tam Bạc giai đoạn 1 (năm 2019), tổ chức từ 19 giờ thứ sáu - 23 giờ chủ nhật. Giai đoạn 2 (từ năm 2020), nếu có hiệu quả, tổ chức từ 19 giờ - 23 giờ hàng ngày (từ thứ hai đến thứ năm) và từ 19 giờ thứ sáu - 23 giờ chủ nhật. Sức hấp dẫn của tuyến phố đi bộ sẽ là các công trình kiến trúc; cửa hàng mua sắm; khu ẩm thực; đồ lưu niệm; các cửa hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc Hải Phòng cùng không gian văn hóa, nghệ thuật như phòng tranh, phòng nghe nhạc, đồ cổ, phố sách; là sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên với cây xanh bóng mát; dòng sông Tam Bạc nên thơ, hữu tình, nhất là phát triển du lịch trên sông Tam Bạc kết nối các tuyến du lịch khác của thành phố...
Trước đó, không ít kiến trúc sư, khách du lịch và người dân thành phố cảm thấy nuối tiếc vẻ đẹp phố cổ Hải Phòng hai bên bờ sông Tam Bạc chưa được khai thác đúng tầm của nó. Đã có không ít ý tưởng, mong muốn biến khu vực này thành “sông Seine” thu nhỏ với những quán sách; họa sĩ vẽ ký họa hai bên bờ sông, những góc thư giãn lý tưởng; quán cà phê nhỏ; những hàng cây xanh; đàn bồ câu an bình…
Dải trung tâm thành phố hôm nay đã được mở rộng thẳng từ đập Tam Kỳ đến cổng cảng Hải Phòng, nằm giữa hai trục đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo và Nguyễn Đức Cảnh - Trần Phú thuộc quận Hồng Bàng, với những công trình kiến trúc văn hóa được cải tạo, khôi phục; vườn hoa được mở rộng để phục vụ hoạt động công ích. Theo lãnh đạo quận Hồng Bàng, trong tương lai gần, dải trung tâm sẽ mở rộng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, được đấu nối với các khu trung tâm hành chính - chính trị, nhà ở, shop-house mới của thành phố, tạo thành “vùng lõi” động lực thúc đẩy phát triển đô thị Hải Phòng trong tương lai...
Không những thế, dải trung tâm thành phố Hải Phòng cũng được các chuyên gia quy hoạch đánh giá là một trong những dải trung tâm đẹp nhất cả nước với những công trình kiến trúc ghi dấu chiều dài lịch sử văn hóa của đất Cảng. Nơi đây liền mạch với làng Vẻn, tiền thân đất Hải Phòng, gần đền thờ Nữ tướng Lê Chân, người mở đất năm xưa, vị “Thành hoàng” đất Cảng đặt ngay ở trung tâm thành phố.
Một dấu ấn đặc biệt không thể bỏ qua là Nhà hát thành phố, công trình lịch sử, kiến trúc mang đậm dấu ấn Hải Phòng, là một trong 3 nhà hát được Pháp xây dựng tại các đô thị lớn của Việt Nam. Đây còn là một địa danh lịch sử, ghi dấu nhiều mốc son lịch sử cách mạng của thành phố. Ngày nay, các hoạt động mít tinh, biểu diễn văn nghệ và vui chơi giải trí vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, chào mừng các sự kiện lịch sử quan trọng hay các dịp lễ, Tết được thành phố tổ chức tại đây. Bên cạnh quảng trường Nhà hát thành phố là Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố nằm giữa không gian công viên, cây xanh rộng lớn. Nơi đây thường xuyên có hoạt động trưng bày, triển lãm tranh, ảnh của các nghệ sĩ, họa sĩ và cả của các cháu thiếu nhi.
Thêm nữa, những năm gần đây, dải trung tâm liên tục được mở rộng. Nếu như năm trước, vườn hoa mới ở phía sau Nhà triển lãm thành phố và công viên Tam Bạc mới được một phần thì năm nay công viên Tam Bạc vừa kịp hoàn thành vào những ngày giáp Tết, nối vào một dải công viên liền mạch.
Có thể nói, với người Hải Phòng, sông Tam Bạc không chỉ đơn thuần là dòng chảy mang đi những con sóng, mà ở đó chứa đựng những ký ức riêng của một thời, trở thành một trong những biểu tượng riêng có. Thành phố cảng Hải Phòng đang vươn mình ra biển lớn, khẳng định vị trí vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ quan trọng của đất nước và vùng duyên hải Bắc Bộ. Và dù đi đâu, về đâu, dù thành phố “thay da, đổi thịt” từng ngày, người Hải Phòng vẫn mãi nhớ về một nếp phố xưa Tam Bạc và một bến sông đầy thương nhớ, không chỉ trong hoài niệm…