Xã hội

Chuyện về những người già neo đơn trong nhà tình thương

Thanh Hải 30/06/2025 12:49

"Nếu lần sau đến mà không gặp thì chú thắp cho tôi một nén hương nhé" là lời dặn dò của cụ già neo đơn đang gửi gắm mong muốn cuối cùng của đời mình cho một người dưng.

Hôm đó, đường vào nhà tình thương ở An Dương trở nên lầy lội. Nước đọng thành từng vũng lớn, mùi đất ẩm và rác mục hắt lên nồng nặc. Xe của tôi băng qua đoạn trơn trượt, tới cánh cửa sắt gỉ sét mở hé ở cuối đường. Mùi ngai ngái của thuốc mỡ, mùi ẩm mốc quện lại như một lớp không khí đặc quánh.

Cụ Lê Văn Phương ngồi đó, lặng lẽ chờ trên chiếc giường inox thường thấy trong các bệnh viện, lót vài tấm đệm mỏng đã sờn rách. Lưng cụ cong, tay run nhẹ. Cái dáng vẻ ấy, trong căn phòng chật chội càng trở nên nhỏ bé.

z6747559178197_f982e55bdc6d740eb6769f7df93c70a5.jpg
Tuổi cao, sức yếu khiến cụ không còn quá minh mẫn.

Cụ bảo mình năm nay 96 tuổi, không người thân. "Gốc Nam Định đấy... nhưng giờ mà hỏi cụ thể là xã nào thì cũng đành chịu.", cụ nói. Trước đây cụ sống lang thang trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng. Ba năm trước, nhóm tình nguyện đưa về căn nhà tình thương này. Căn phòng chật, nhưng có mái che. Có bữa ăn dù đơn sơ. Và có chiếc giường để cụ nằm mà không lo bị xe cán qua chân.

z6747559128835_bcce00637fbf51772aad238931d2b717.jpg
Cụ thường cầm trên tay ảnh vẽ người con gái cụ hết mực mong nhớ.

Cụ kể với tôi rằng cụ từng có một người con gái nhưng không ảnh, không thư, không số điện thoại. Cụ chỉ còn được gặp con trong từng giấc mơ. Cụ vẽ lại đứa con cụ hết mực mong nhớ bằng bút bi trên một tờ giấy A4 nhàu nát, cất trong hộp thiếc đặt dưới gối. "Nó giống tôi lắm chú ạ. Tóc nó dài. Mũi nó cao. Nếu còn sống thì nay cũng gần 70 tuổi rồi.", cụ kể.

Tôi hỏi cụ có mong gặp lại con không? Cụ lắc đầu bảo "Nó thấy tôi thế này chỉ thêm khổ tâm. Tôi sống làm gì? Ăn nhờ, ngủ gửi, chẳng khác gì người đã hết thời hạn ở cõi này".

z6747559139559_729bac87d49ee9e389ac2b34cececcf5.jpg
Bữa ăn đạm bạc qua ngày.

Trưa đến, mưa vẫn không ngớt, mái tôn kêu lộp độp từng đợt. Tại gian bếp nhỏ, cụ lò dò lấy cái bát thủy tinh rồi hòa gói cháo ăn liền từ nước nóng của chiếc ấm siêu tốc đã cũ mèm. Cụ Phương không ăn nhiều. Mỗi thìa cháo đưa lên là mỗi lần cụ húp rất khẽ, hai tay giữ chặt miệng bát như sợ trượt.

z6747559154194_8ae4d9ef4ec4f75b37099af2773bd9fb.jpg
Tự lo ăn từng bữa vì không có người thân bên cạnh khi tuổi đã cao.

Tôi để ý trên bàn bếp còn vài củ khoai tây bị chuột khoét lỗ chỗ, mấy khúc cá rán cháy cạnh nguội ngắt chấm với bát nước mắm mặn chát. Cái nghèo không khiến cụ cáu giận. Cái đói không khiến cụ kêu ca. Chỉ còn sự lặng lẽ, nhẫn nhịn đến tận cùng như một bản năng tự giữ lòng mình khỏi sự tan vỡ.

z6747559168459_293469af3f2f50d151a000d8dcba3e68.jpg
Cụ làm nghề đồng nát để "kiếm kế sinh nhai".

Cụ kể thêm, mỗi sáng nếu trời không mưa, cụ vẫn dắt chiếc xe đạp ra ngõ đi vài vòng loanh quanh. Có hôm cụ nhặt được vỏ lon, chai nhựa. Có hôm chẳng thu được gì nhưng cụ vẫn đi: "Ra ngoài hít thở cho khỏe người và kiếm thêm chút đỉnh để phòng thân". Cái dáng nhỏ gầy lọt thỏm trong chiếc áo gió, tay đẩy chiếc xe đạp cà tàng - đó là hình ảnh người dân quanh đây đã quá đỗi quen thuộc.

z6747559161526_d11fa9b79be63c96bc55f77d2174fd8e.jpg
Chân đã phồng rộp và phù nề theo năm tháng.

Tôi hỏi cụ đã bao giờ nghĩ về chuyện cuối cùng của đời người mà ai cũng phải trải qua chưa? "Bất hạnh," cụ đáp làm tôi giật bắn mình. "Nhưng điều tôi sợ không phải vì chết. Mà vì chết rồi không ai biết mình là ai. Thôi thì người ta vứt ở đâu thì vứt. Ở rìa đường cũng được. Vùi tạm đâu đó cũng được. Miễn sao đừng phiền tới ai.", cụ Phương nói.

z6747559189600_8b4b35389e180aa0798c0e5c550029b0.jpg
Quần áo trước sân nhà tình thương các cụ không kịp chạy ra rút.

Cụ nói câu đó như một lời trăn trối không chính thức. Giọng khản đặc vì tuổi già nhưng từng chữ vẫn đủ sắc lạnh để khiến tôi nghẹn lại. Chết không phải để thương tiếc mà chỉ mong không làm phiền ai. Một cái chết gọn gàng, đúng nghĩa "rút khỏi đời sống" như chưa từng tồn tại.

Thực tế, cái chết của một người không giấy tờ, không thân thích, không tiếng khóc đưa tiễn không phải là chuyện hiếm. Ở những mái nhà tình thương như nơi cụ Phương đang sống, có hàng chục, hàng trăm cụ ông, cụ bà đều từng là một người cha, người mẹ, người công nhân tận tụy, người lính... rồi sau cùng trở thành "người già neo đơn"...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyện về những người già neo đơn trong nhà tình thương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO