Chuyện về người treo cờ cách mạng trên kỳ đài Huế

- Thứ Năm, 02/09/2021, 05:22 - Chia sẻ
Khoảng 15 năm trước, lúc đã gần 90 tuổi, ông vẫn chơi tennis. Còn bây giờ, mỗi khi cao hứng ông lại thả mình vào những điệu Valse, Boston, Rumba. Từ những ký ức ngày đầu tham gia cách mạng đến trận đánh lớn đầu tiên và biệt danh “Hùm xám đường số 4, ông là Đặng Văn Việt, người đã kéo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ ở thành nội Huế ngày 21.8.1945 và có lẽ, cũng là người duy nhất còn sống trong lứa sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong cấp hàm lần đầu tiên năm 1948.
Kỳ đài Huế ngày nay
Ảnh: Độc Lập

Ký ức những ngày đầu tham gia cách mạng

Ông Đặng Văn Việt (sinh năm 1920) là người Diễn Châu, Nghệ An nhưng gốc gác con cháu họ Trần chống giặc Nguyên - Mông lừng lẫy. Từ nhỏ, ông theo cha vào học ở Huế. Từ năm 1942, ông ra Hà Nội học Trường Y dược và bắt đầu giác ngộ cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9.3.1945), phong trào Việt Minh sôi nổi, phát triển rầm rộ từ Bắc chí Nam. Anh thanh niên Đặng Văn Việt quay trở về Huế học tiếp ở Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến. Dù thuộc Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim nhưng ngôi trường này được những trí thức yêu nước theo Việt Minh dẫn dắt. Học viên hầu hết là sinh viên các trường đại học ở Đông Dương, một số đã là cơ sở của Việt Minh do hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu tổ chức huấn luyện.

Sau khi Hà Nội giành chính quyền (19.8), đêm ngày 20, hai thanh niên Đặng Việt Văn và Nguyễn Thế Lương (sau này là Thiếu tướng Cao Pha) được ông Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên kỳ đài Huế vào sáng ngày 21. Nhận nhiệm vụ, cả đêm hồi hộp không ngủ. Sáng ra, hai người nai nịt gọn gàng trong quân phục chỉnh tề đẩy hai chiếc xe đạp gác bên trên là lá cờ đỏ sao vàng dài 12m, rộng 8m cuộn tròn tiến thẳng về phía kỳ đài. Gặp viên chỉ huy lính bảo vệ kỳ đài, anh dõng dạc nói: “Theo lệnh Ủy ban kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên cột cờ thay cờ quẻ ly, các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Có lẽ, do biết tin ở Hà Nội, cách mạng đã giành chính quyền nên lính triều đình lúng túng, không phản ứng gì. Cờ đỏ bay trên đỉnh cột, hai người đứng nghiêm đưa tay chào, viên chỉ huy và lính pháo đùng cũng ngoan ngoãn làm theo. Thấy cờ nhà vua bị hạ xuống, viên chỉ huy đại đội lính khố vàng ra lệnh cả 120 tay súng chĩa về phía hai ông rồi chạy vào báo vua Bảo Đại. Bảo Đại sau khi hỏi ý kiến Hoàng hậu Nam Phương ra lệnh: Không được bắn! Lúc đó là trưa ngày 21.8.1945. Mấy ngày sau, các ông Trần Huy Liệu, Huy Cận từ Hà Nội vào thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời nhận thoái vị và ấn tín từ Bảo Đại, hoàn thành giành chính quyền ở Huế (ngày 25.8.1945).

Ở môi trường công tác mới ngoài dân sự khoảng 20 năm, đến năm 1980, ông Đặng Văn Việt nghỉ hưu. Trở về với đời thường, ông vẫn chăm chỉ làm thêm và mượn đất ở Khương Đình để trồng rau, chăn nuôi. Tại đây, ông được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Thiếu tướng Trần Minh Đức đến thăm. Hiện, ông vẫn ở căn phòng 32m2 của khu tập thể Bộ Xây dựng được cấp khi mới chuyển ngành.

Đại tướng Lê Trọng Tấn trong một nhận xét về ông từng nhấn mạnh: “Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và trách nhiệm. Anh là một quân nhân cách mạng, cuộc đời có nhiều bão táp nhưng lúc nào cũng lạc quan, tươi cười và sáng tạo…”.

Trận đánh lớn đầu tiên…

 Kể từ thời điểm ấy, khí thế cách mạng sục sôi, 43 học viên Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến phối hợp với Việt Minh tổ chức mở cửa nhà tù giải phóng cho các tù chính trị, bảo vệ các cuộc mít tinh giành chính quyền; giải giáp các trại lính khố vàng, khố đỏ, khố xanh, tịch thu tài liệu, vũ khí, kho tàng của chế độ cũ. Ngay khi ta giành chính quyền ở Huế, cuối tháng 8, quân Pháp đổ bộ vào cửa biển Thuận An hòng uy hiếp lực lượng cách mạng còn non trẻ. Được giao chỉ huy một trung đội trấn giữ cửa biển, Đặng Văn Việt đã mưu trí bắt gọn 1 quan ba và 2 quan hai của địch, dập tắt ý đồ hỗ trợ giữ lại bộ máy chính quyền tay sai.

Rồi Pháp lại nổ súng tái chiếm Nam bộ, kháng chiến nổ ra ở khắp nơi. Nhiều học viên của Trường Võ bị Thanh niên tiền tuyến cũng lên đường Nam tiến, một số sang giúp nước bạn Lào. Cuối năm 1945, Đặng Văn Việt chỉ huy một số phân đội phối hợp với bạn đánh Pháp giành nhiều thắng lợi ở đường 9, trung - hạ Lào. Đầu năm 1946, ông trở thành Tham mưu trưởng Mặt trận đường 7. Sau đó, được điều động ra miền Bắc, ban đầu làm huấn luyện viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, nơi cụ Hoàng Đạo Thúy - người anh cả của Phong trào Hướng đạo Việt Nam làm Hiệu trưởng.

Hiệp định sơ bộ được ký ngày 6.3.1946 nhưng thực dân Pháp dưới sự hỗ trợ của quân đội Anh, Mỹ đã không thực thi mà còn dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm nhiều nơi từ Nam chí Bắc. Trước tình hình này, ngày 19.12.1946 Bác Hồ đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Tháng 10.1947, Pháp mở chiến dịch Léa có quy mô rất lớn lên Việt Bắc. Lúc này, Đặng Văn Việt đã là cán bộ chủ chốt ở Phòng Tác chiến (tiền thân của Cục Tác chiến sau này) thuộc Bộ Tổng Tham mưu. 

Cuối tháng 10, ông được giao làm đặc phái viên giữ liên hệ và sát cánh với Trung đoàn 11 của tỉnh Lạng Sơn (sau đổi thành Trung đoàn 28), có nhiệm vụ đánh chia cắt địch, bảo vệ đường số 4. Trận đánh lớn đầu tiên của ông là đề xuất cách bố trí đội hình và cùng chỉ huy Tiểu đoàn 23 đánh phục kích thắng lợi ở Bố Củng - Lũng Vài thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm. Sau đó, ông còn trực tiếp lên kế hoạch, cùng chỉ huy 2 Tiểu đoàn 374 và 23 tổ chức phối hợp đánh thắng giòn giã trận Bản Nằm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

… đến biệt danh “Hùm xám đường số 4”

Cuối năm 1947, ông Đặng Văn Việt được Bộ Tổng tham mưu giao làm Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 khi mới 27 tuổi. Từ năm 1948 đến đầu 1949, các đơn vị bộ đội có sự tham gia chỉ huy của ông Việt liên tục đánh thắng nhiều trận trên đường số 4 và các địa phương lân cận, góp phần giữ vững chiến khu Việt Bắc, bảo vệ Trung ương. Giữa năm 1949, Trung đoàn 174 được thành lập, ông Đặng Văn Việt được phân công làm Trung đoàn trưởng, ông Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Trước khi làm lễ ra mắt Trung đoàn, Ban Chỉ huy bàn bạc và quyết tâm đánh thắng một trận để đời nhân chào mừng ngày Quốc khánh. Thế là trận Bông Lau - Lũng Phầy diễn ra. Ngày 3.9, Trung đoàn 174 đã anh dũng chặn đánh đoàn xe lớn của địch đang theo đường số 4 tiến lên Cao Bằng. Trận này ta tiêu diệt hơn 100 xe vận tải, xe tăng, xe bọc thép, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí hiện đại; lấy được một lượng lớn lương thực, thực phẩm cấp phát cho Nhân dân.

Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung đoàn 174 vinh dự được đón Bác Hồ lên quan sát chiến sự và động viên bộ đội. Ông Đặng Văn Việt chủ động đề xuất phương án và chỉ huy Trung đoàn 174 dũng mãnh mưu trí tấn công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê ngày 18.9.1950. Thời gian tiếp theo, Trung đoàn phối hợp với các đơn vị bạn, với Nhân dân Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh chia cắt địch trên đường số 4 lập nhiều chiến công. Điển hình là trận đánh chặn binh đoàn địch rút khỏi Cao Bằng, đón đánh địch từ Thất Khê lên ứng cứu… bắt sống hai đại tá Tư lệnh hai binh đoàn chủ lực của Pháp là Charton và Lepage cùng hàng trăm sĩ quan, hàng ngàn lính Pháp và lê dương. Người Pháp gọi ông là “Hùm xám đường số 4”.

Năm 1951 và đầu năm 1952, Trung đoàn 174 trong đội hình Đại đoàn 312 mới được thành lập. Ông Đặng Văn Việt tiếp tục chỉ huy Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh địch giữ vững địa bàn vùng đồng bằng liên Khu 3, chống lại nhiều trận càn của Pháp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… Cuối năm 1952, Trung đoàn tham gia chiến dịch Tây Bắc, đánh thắng nhiều trận trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đường số 6, tiêu biểu là trận diệt gọn đồn Mộc Châu tháng 11.1952 do ông trực tiếp chỉ huy. Trong khi cùng các đơn vị bạn chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử đi học ở Trung Quốc. Sau đó, ông về công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, rồi chuyển ngành năm 1960.

Nguyễn Nhân Tỏ - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội