Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố

Lê Thủy 07/12/2010 00:00

Công trình nghiên cứu đầu tiên về lịch sử một con đường qua 1.000 năm của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, được giới thiệu khái quát trong triển lãm Nghìn năm - một đường phố, đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

37 bức tranh kèm chú thích trong triển lãm là một phần của tác phẩm Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố của cố Gs Đặng Phong, người đã dành gần 10 năm để nghiên cứu về 1 đường phố - đường Lê Duẩn, của Hà Nội. Tác phẩm này, cũng như các bức ảnh trong triển lãm dẫn dắt người xem theo suốt chiều dài lịch sử và chiều dài địa lý của con đường.

Trong rất nhiều đường phố của Hà Nội, tác giả chọn nghiên cứu đường Lê Duẩn, mặc dù ngày nay, con đường có dáng vẻ hết sức bình thường, không có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền, hay cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc. Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Andrew Hardy cho rằng: xét về góc độ giao thông, con đường có ý nghĩa đặc biệt. Có lẽ đường Lê Duẩn là chặng đầu tiên trên con đường lớn xuyên suốt Việt Nam. Nếu trước kia nó là đường nối cửa Nam Hoàng thành Thăng Long tới phương Nam trong các triều đại Lý - Trần - Lê, sau đó được đặt tên đường Cái quan, rồi chuyển sang tên của viên tướng Lattre de Tassigny thời thuộc địa. Sau khi giải phóng Thủ đô, đường được đặt tên Nam Bộ để khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rồi sau khi Bắc - Nam liền một dải, con đường được mang tên Lê Duẩn - người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Nay, dưới cái tên hành chính hiện đại - Quốc lộ 1 - nó nối liền Hà Nội với TP Hồ Chí Minh. Như đối với một con đường huyết mạch khác, ga tàu hỏa cũng được xây dựng trên con đường này. Chẳng có biển báo hoặc tượng đài nào cho biết điều này, nhưng đường Lê Duẩn bao giờ cũng là cổng mở của Hà Nội về phía Nam.

Dù có nhiều thay đổi, nhưng các dấu tích lịch sử vẫn đang hiển hiện nơi đây. Có lẽ vì thế, Gs Đặng Phong đã không chọn Hàng Bạc hay Tràng Tiền, hoặc một con phố cổ khác của Hà Nội, mà chọn Hàng Cỏ, tức đường Lê Duẩn bây giờ, để nghiên cứu. Tác giả từng tâm sự, chỉ đi dạo từ ngã tư Khâm Thiên cho đến đầu đường Lê Duẩn, chỗ giáp đường Điện Biên Phủ, ngước nhìn 2 bên, đã thấy vô số lịch sử rồi. Nào là Khâm Thiên, cái tên gọi của một đài khí tượng cổ xưa được đặt ở đây thời Lê, rồi sau này, dưới thời Pháp, hãng dầu Caltex Petroleum của Mỹ đã đặt trụ sở. Và cũng trong thời Pháp thuộc, cái tên gọi Khâm Thiên lại được đặt tên cho một đường phố của giới cô đầu con hát. Rồi Đại chiến Thế giới lần thứ hai, Mỹ rải truyền đơn ở đây kêu gọi “các bạn Việt Nam” tránh xa đường sắt này để Mỹ ném bom quân đội Nhật. Lúc đó, Mỹ mới chỉ ném “giấy”, nhưng 28 năm sau thì thay cho những tờ giấy thân thiện là những thảm bom B52. Tiếp chút nữa là một ngôi biệt thự độc đáo kiểu Colombage, nằm ở chỗ đường Trần Quốc Toản gặp đường Lê Duẩn. Đó là ngôi nhà của Victor Tardieu, một trong những người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi khởi nghiệp của nhiều họa sỹ tài danh như Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn... Tiếp tục đi sẽ thấy một tòa nhà đồ sộ được xây từ đầu thế kỷ XX, đó chính là ga Hàng Cỏ. Cách đây 100 năm, đây chỉ là một con đường nhỏ đi qua một vùng đầm lầy, cỏ mọc ngập đầu, được sử dụng để nuôi voi và ngựa trong thành. Sang đầu thế kỷ XX, voi không còn nữa nhưng cái tên Hàng Cỏ vẫn được nhớ đến. Do đó, khi có một nhà ga đồ sộ mọc lên ở đây thì nó đã mang cái tên có vẻ khác xa với tầm vóc của bản thân: ga Hàng Cỏ. Rồi đến lượt nhà ga này lại chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử thời Tây, thời Nhật, thời Cách mạng cho tới sau này...

Bấy nhiêu tình tiết thôi, cũng dài hơn cả con đường, vì nó là chuyện của hơn 10 thế kỷ. Đặc biệt, với phương pháp “cắt lớp” lịch sử, tác giả chỉ kể chuyện đường phố mà cho thấy cả những lớp lang lịch sử, những câu chuyện về văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt, đến những biến cố lịch sử thành phố và đất nước.

Có thể nói, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố là công trình nghiên cứu đầu tiên ghi nhận một phong cách, một cách tiếp cận, khơi gợi cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu khác. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Gs Đặng Phong đã chọn con đường ấy, tôi sẽ thử chọn cho mình một con đường khác, phố Paul Bert, hay Tràng Tiền ngày nay, con đường đô thị đầu tiên của thành phố Hà Nội, xương sống để hình thành đô thị thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX...” Mỗi người có thể chọn nghiên cứu một con đường của riêng mình, qua đó hiểu thêm về lịch sử của Hà Nội và đất nước. Bởi mỗi đường phố đều chứa đựng biết bao cảm hứng, tri thức lịch sử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO