Chính trị

Chuyển thẩm quyền cho vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để

Minh Trang 20/05/2025 11:10

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, sáng 20/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

pctqh-vu-hong-thanh5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, xây dựng Luật này nhằm tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

td-ngan-hang1.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật.
Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.

Quy định này sẽ giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

td-ngan-hang2.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật gồm 3 Điều. Trong đó, quy định tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Thống đốc cũng nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ Chín này theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật; đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với các chủ trương, quan điểm cụ thể của cấp có thẩm quyền; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

cn-ubkt1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Ảnh: Quang Khánh

Đặc biệt, các quy định phải được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nhân văn, khả thi cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

db5.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Đề nghị rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra; rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp, thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị rà soát, xác định đầy đủ, toàn diện các trường hợp cần chuyển tiếp, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp luật; đề xuất cụ thể thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và bảo đảm đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành Luật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyển thẩm quyền cho vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO