Dự kiến chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội

Chuyên sâu, chất lượng và hiệu quả

- Thứ Năm, 22/07/2021, 05:58 - Chia sẻ
Cho rằng một số nội dung dự kiến giám sát chuyên đề năm 2022 còn dàn trải, thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng qua, 21.7, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cần cụ thể hơn phạm vi, lĩnh vực giám sát và phạm vi đối tượng giám sát để bảo đảm giám sát chuyên sâu, chất lượng, hiệu quả.

Giám sát để dẫn dắt hoạt động lập pháp 

Những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được tăng cường và đổi mới. Khẳng định điều này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng chỉ rõ, nội dung giám sát đã tập trung được vào những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát vẫn là một yêu cầu cấp bách và nên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Khóa XV. Nêu quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho biết, tại rất nhiều cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cao yêu cầu về lập pháp chủ động. Quốc hội phải giữ vai trò dẫn dắt hoạt động lập pháp cũng như dẫn dắt hoạt động của các cơ quan hành pháp. Vậy dẫn dắt hợp pháp bằng cách nào? Có thể dẫn dắt thông qua hoạt động giám sát. Bởi vì thông qua giám sát sẽ giúp chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật đã được Quốc hội ban hành. Thông qua giám sát, chúng ta còn tạo sức ép, áp lực đối với các cơ quan thi hành pháp luật để cơ quan đó phải có những giải pháp, biện pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, giám sát giúp các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt được đầy đủ hơn những thông tin, những vấn đề thực tế đang đặt ra, hiểu rõ hơn các vấn đề và phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra, cũng như xem xét, quyết định các chính sách pháp luật. Do đó, không chỉ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà trong nhiệm kỳ Khóa XV, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đều nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát để thông qua giám sát, thúc đẩy hoạt động chung của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan thi hành pháp luật.

Tiếp cận đổi mới hoạt động giám sát ở góc độ Quốc hội chỉ xây dựng chuyên đề giám sát theo kế hoạch hàng năm và kỳ họp giữa năm của năm trước, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, cách làm này đang giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn, mà chưa nhìn thấy định hướng rõ nội dung giám sát cho cả một giai đoạn, một nhiệm kỳ. Hay nói cách khác, việc xây dựng nội dung chương trình giám sát chuyên đề đang theo kiểu “ăn đong”, đã và đang phát sinh nhiều vấn đề hết sức bất cập.

Thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần chủ trì xây dựng Đề án về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay trong năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hoàng Đức Thắng chỉ rõ, Đề án cần xác định rõ định hướng, các nội dung có tính tổng quan cho hoạt động giám sát nhiệm kỳ Khóa XV. Trên cơ sở đó, hàng năm Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, có tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong trường hợp tình hình phát sinh đột xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung nội dung giám sát một cách linh hoạt và phù hợp.

Xác định cụ thể phạm vi giám sát  

Về các chuyên đề giám sát cụ thể, một số đại biểu cho rằng nên lựa chọn chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 và chuyên đề Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021, vì đây là những vấn đề cấp bách. Song, trên cơ sở xem xét kỹ báo cáo thuyết minh hai chuyên đề, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), ĐBQH Nguyễn Phương Thủy băn khoăn vì phạm vi giám sát còn dàn trải.

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đề cập quá nhiều vấn đề, từ quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp; quy hoạch triển khai các dự án đầu tư đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân... Trong khi đó, “chỉ riêng nội dung quản lý khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên đã là quá rộng”; theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì nội dung này đã gồm cả quản lý, sử dụng đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên rừng, năng lượng tái tạo... Mặt khác, ngay tại Tờ trình cũng nêu ra các lý do chưa thực hiện giám sát trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.

Trước thực tế trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị, trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội cần cụ thể hơn phạm vi giám sát nên tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực nhất định, bảo đảm thực sự là giám sát chuyên sâu, đạt chất lượng, hiệu quả như kỳ vọng. Trước mắt cần tập trung giám sát về vấn đề được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm như quản lý, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị sự nghiệp công lập hoặc việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Riêng với lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp Nhà nước thì đã được Quốc hội giám sát năm 2018.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cân nhắc để có giới hạn gọn hơn về phạm vi giám sát, cũng như đối tượng chịu sự giám sát.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế trong công tác giám sát thời gian qua như: Nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh gấp, trong khi thời gian cho hoạt động giám sát và nguồn lực để thực hiện giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội còn hạn chế. Vì thế, có ý kiến cho rằng, khi đã chỉ ra nguyên nhân, Quốc hội cần sớm có giải pháp khắc phục. Theo đó, nên có những cải tiến, đổi mới kèm theo dự kiến các nội dung giám sát chuyên đề là phần thuyết minh, xác định rõ, cụ thể về phạm vi lĩnh vực giám sát, phạm vi đối tượng cần thực hiện. Như vậy, các đại biểu Quốc hội cũng có đầy đủ cơ sở để xem xét, quyết định, lựa chọn những vấn đề nào thuộc tầm giám sát tối cao của Quốc hội, những vấn đề nào có thể giao cho các cơ quan của Quốc hội giám sát. 

Anh Thảo