Chuyện nhỏ, chuyện lớn

30/07/2007 00:00

Đôi khi, từ chuyện nhỏ mà buộc phải nói đến chuyện lớn. Đây không là lối suy diễn theo kiểu “bé xé ra to”. Mà là sự dẫn dắt của logic sự kiện và cuộc sống. Chuyện nhỏ, đó là chuyện trò chơi, chuyện “cao trào” của bóng đá khi tuyển Việt Nam lọt vào từ kết, rồi “thoái trào” của trò chơi truyền hình (“game show”). Từ “trò chơi”, chuyện nhỏ, mà buộc phải nghĩ về chuyện lớn, khi cần đến giải pháp có tính chiến lược mới giải quyết được đến nơi, đến chốn những chuyện nhỏ ấy.

      Thì đó, niềm hưng phấn trước những bứt phá ngoạn mục của tuyển Việt Nam trong hồi đầu “cao trào” tuyển Việt Nam vào “tứ kết” ASIAN Cup, rồi cũng phải nhường chỗ cho sự ngậm ngùi, chua xót để tỉnh táo hơn về thực lực và đẳng cấp của bóng đá nước nhà. Đội tuyển của ta quả là có thừa ý chí chiến đấu ngoan cường, song lại vẫn quá thiếu về thể lực và tầm cao về kỹ thuật. Kỹ thuật thì rồi phải học tập và rèn luyện bền bỉ, có bài bản, với sự dẫn dắt của những người thầy có bản lĩnh và kinh nghiệm. Nhưng thể lực thì không thể tính bằng nhiệm kỳ của Liên đoàn bóng đá. Mà là chuyện của tầm nhìn vĩ mô của giải pháp chiến lược nâng cao chất lượng sống của con người Việt Nam. Đây là cuộc phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ, với những suy tính lớn ở những cấp cao nhất, gắn liền với sự lo toan của các bà nội trợ cho bữa cơm gia đình.
      Thế rồi, thật dễ dàng để tính ra con số thống kê rất cụ thể giá cả leo thang đang đè nặng lên vai những người vợ, người mẹ nghèo phải lo bữa cơm gia đình ấy. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt cả mức dự báo của các chuyên gia: 6,19%, riêng tháng 7 này chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức kỷ lục: 0,94%. Cũng có nghĩa, trên mâm cơm nhà nghèo, chỉ còn có đĩa dưa, dăm quả cà và bát nước luộc rau quen thuộc, mà cố quên đi  đôi ba miếng thịt, một hai khúc cá thỉnh thoảng điểm xuyết thêm vào để tăng thêm lượng đạm cho cơ thể. Đáng ngại hơn, sữa, nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho trẻ con, lại là mặt hàng có giá tăng cao nhất. 
      Chuyện dinh dưỡng của trẻ lại không chỉ là chuyện trước mắt, phần rất đông con trẻ nước ta thiếu sữa, mà là chuyện lớn, chuyện lâu dài: chuyện nòi giống. Chính ở đây có mối liên quan đến nỗi ngậm ngùi bóng đá nói trên. Thương quá các cầu thủ của ta, dù phấn đấu kiên cường đáng cảm phục tại ASIAN Cup, nhưng rồi vẫn không sao kham nổi sức càn lướt của đối thủ với thể lực và thể hình vượt trội. E rằng, chuyện giá sữa tăng liên tục và đột biến, cần phải gắn với nỗi đau về thể lực của cầu thủ, xa hơn, nỗi đau về thể lực con người Việt Nam ta. Có vậy mới không thể chỉ tuyên đọc những con số thống kê lạnh lùng, những lời trấn an vô cảm về giá cả gia tăng. Không có cái tầm nhìn rất xa nhằm tăng thể lực và thể hình cho các cầu thủ của ta, thì dù có những “siêu huấn luyện viên ngoại” với thiên tài bóng đá dẫn dắt, cũng khó mà đạt được đẳng cấp bóng đá cần thiết để có chỗ đứng trong khu vực. Tăng thể lực cho cầu thủ lại không là chuyện riêng của bóng đá, của thể dục thể thao, mà là chuyện chất lượng của con người Việt Nam trong thế kỷ XXI. 
      Chỉ nhìn vào con số thống kê thu nhập đầu người bình quân hơn 800 USD bằng con mắt vô cảm, sẽ không sao thấm thía được nỗi chật vật thiếu thốn của triệu triệu những mâm cơm nghèo và nỗi ngậm ngùi bóng đá vốn không thiếu sức bật trong chốc lát bằng truyền thống quật cường và tinh thần chiến đấu ở từng trận. Những lời hiệu triệu suông trở nên phản cảm, khi trên mâm cơm của phần đông gia đình Việt Nam chỉ có rau dưa thay cho thịt cá, đặc biệt là khi giá cả của những mặt hàng thiết yếu cứ lừ lừ đẩy tới không sao cản lại được như những tháng qua. Thế mà phải từ triệu triệu mâm cơm nghèo đó mà dẫn giải về chuyện thể lực, thể hình của các cầu thủ, các vận động viên của ta. 
      Không có bước bắt đầu từ bây giờ, từ việc tìm giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nòi giống, thì sẽ không trả lời được bao giờ thì bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung có được đẳng cấp vượt lên. Đẳng cấp của đội tuyển Nhật khiến cho họ thắng “tâm phục, khẩu phục” đội nhà, ngoài chuyện kỹ thuật, điều dễ thấy là thể lực, là chiều cao của các cầu thủ bạn đủ sức càn lướt cầu thủ ta. Ai cũng biết, chiều cao đó, họ chưa có cách đây nửa thế kỷ. Họ làm cách nào để nâng chiều cao cho nhiều thế hệ kế tiếp nhau để có được như bây giờ, đó là chuyện ta phải học.
      Tuy nhiên, chất lượng con người, chất lượng nòi giống, không chỉ ở chiều cao và cân nặng của cơ thể, không chỉ đơn thuần thể lực, thể hình có thể cân đong, đo đếm, mà còn là chất lượng đời sống tinh thần của con người. Chất lượng văn hóa! Từ một cách tiếp cận có trách nhiệm và nghiêm cẩn hơn, sẽ thấy ra sự xuống cấp của chất lượng văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay cũng đáng lo không kém nỗi lo về vật giá leo thang, nếu không nói là đáng lo hơn.
       Lo hơn, vì khắc phục khó hơn. Lo hơn vì chất lượng ấy khó cân đong đo đếm một cách dễ dãi và cụ thể nên dễ làm cho người ta chưa thấy thật bức xúc. Thành tựu về kinh tế của ta qua chỉ số GDP sẽ có ý nghĩa khi gắn với sự cải thiện đời sống của dân. Điều này thì dù sao cũng dễ cảm nhận, và không phải ngẫu nhiên mà thế giới nói đến một Việt Nam khởi sắc, một điểm hẹn của nhiều nhà đầu tư đang hướng tới. Song thành tựu về văn hóa và đời sống xã hội, thì cần phải thận trọng hơn rất nhiều khi mà chúng ta hiểu rằng văn hóa vừa là mục  tiêu vừa là động lực của phát triển. Đối chiếu với đòi hỏi đó, nỗi lo càng lớn.
      Từ chuyện lớn của văn hóa mà quay về một chuyện nhỏ trò chơi:  sự thoái trào của trò chơi trên truyền hình (game show). May quá, thoái trào! Sao lại là may, “thoái một phong trào” thì buồn, cớ sao may? “Game show” đã không còn tạo được sự quan tâm của khán giả nữa. Nếu HTV cứ chạy theo nó thì cũng coi như tự giết mình” đó là lời phát biểu của ông Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM.  May là ở chỗ đó : cả thực khách và người cung cấp món ăn tinh thần đều nhận ra sự nhàm chán, đều buộc phải thay đổi. Người thì phải chịu đựng trong những phút thư giãn, sau một ngày làm việc mệt nhọc, lại tiếp tục bị “tra tấn” vì sự nhạt nhẽo, vô bổ “bỏ thì thương, vương thì tội”. Người thì vì nhiều lý do phải chế biến món ăn tinh thần mà họ biết là đã “quá đát”, không còn hợp khẩu vị  thậm chí gây “ngộ độc thức ăn” cho đối tượng mà họ phục vụ. 
      Thật tội nghiệp cho “nhà đài”, “lực bất tòng tâm”, họ phải phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Không ai bỏ tiền ra chỉ để mua vui cho công chúng mà người được trao sứ mệnh cung cấp món ăn tinh thần lành mạnh cho họ là một thiết chế của Nhà nước. Ấy thế mà, “không có quảng cáo, không có tài trợ thì chắc hẳn không có tiền để làm “game show”. Và nhà tài trợ, người mua quảng cáo lại cũng chỉ nhằm vào những chương trình đông người xem nhất”, người phụ trách mảng “game show” của VTV3 bộc bạch. Người ta cứ phải trưng ra những logo thật to ở những vị trí gây phản cảm miễn là lọt được vào ống kính và lên hình được, “hễ người của VTV quay đi là người của bên nhà tài trợ lại cắm cúi đi dán logo..., khiến cho tổng đạo diễn chương trình phải hét lên: “dán luôn vào mặt tôi đây này”!*
      Thế đấy, từ chuyện “thoái trào” này mà bật lên một vấn đề lớn hơn cái chuyện “game show” này nhiều: vấn đề văn hóa!  Món ăn tinh thâçn này cũng lại quá đạm bạc, quá ít chất bổ dưỡng cho nhu cầu nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi đắp tình cảm trong sáng, lành mạnh cho con người, trước hết là cho thế hệ trẻ. Cải thiện chất bổ dưỡng ấy không phải bằng những tấm panô cực to ở mỗi con hẻm dẫn vào một khối phố, một khu dân cư để trưng lên rằng, đây đích thị là “khu văn hóa”. Càng không phải sự nhàm chán của những trò chơi có thưởng, mà cái giá của sự “thông thái” là miếng mồi được giục giã bằng số tiền bạn có được sẽ là bấy nhiêu, sẽ là bấy nhiêu nữa, nhằm kích thích “trí thông minh” và “năng lực sáng tạo”. May quá, đã thoái trào một trong những phương tiện chuyển tải những giá trị văn hóa, mà một độc giả đã phát biểu trên báo: “những trò tầm thường dễ dãi gây ra thứ độc hại rất khó thấy: đó là sự góp phần tạo ra thói quen, tâm lý chỉ thích được “hoan nghênh”, được “phần thưởng” dễ dãi, chẳng cần có chút cố gắng nào... Tâm lý này ăn sâu, phát triển sẽ tạo ra lớp người hưởng thụ-nói cách khác, nó làm cho nhân cách bị tha hóa. Tác động của nó chầm chậm, như“tằm ăn lá dâu” rất khó thấy nên càng nguy hiểm”.* Đặc biệt là đối với các cháu nhỏ. 
      Xin nhắc lại lời khuyến cáo của nhà văn hóa đáng kính Nguyễn Khắc Viện: “có thể nói, sau 5,6 tuổi tính tình con người đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”.  Ấy vậy mà, theo Piaget, nhà tâm lý học bậc thầy: “người khác là đối tượng cảm nhận vào bậc nhất... một đối tượng mà quan hệ qua lại với em bé vừa mang tính cảm giác nhận thức vừa tính cảm xúc, tình cảm”. Qua màn hình tivi, “đối tượng cảm nhận vào bậc nhất” của trẻ nhỏ đang chuyển tải những giá trị văn hóa đến con em chúng ta. Nó có thể chuyển tải những giá trị văn hóa đích thực, món ăn tinh thần không thể thay thế. Song cũng có thể đem đến những tác hại khó lường cho đôi mắt trẻ thơ, cho tâm hồn thế hệ trẻ, và cho mọi người.  Ở đây, cùng với việc “xã hội hóa” các hoạt động văn hóa, nghệ thuật một cách đúng đắn trong ý nghĩa sâu xa và toàn vẹn của nó, chứ không thô thiển, lười biếng có phần tràn lan của một quan niệm “xã hội hóa” dung tục.
      Nếu phân tích thật kỹ những phản cảm từ những hình ảnh tác động trực tiếp đến thị hiếu và mỹ cảm của người xem qua sự chuyển tải của cái màn hình tivi, mà chỉ riêng những chương mục của một thứ  “văn hóa quảng cáo” không được tuyển chọn kỹ càng, cũng đã đặt ra những vấn đề đáng báo động. M.Gorky từng cảnh báo rằng “cái mù xám của sự phàm tục tẩm vào óc, vào máu của con người như thuốc độc, gây ngạt thở, và do đó con người bỗng hóa ra một tấm biển chiêu hàng han rỉ; hình như cái biển chiêu hàng ấy cũng quảng cáo cho một cái gì, nhưng mà là cái gì đây?”. Nếu phân tích thật kỹ những phản cảm từ những hình ảnh tác động trực tiếp đến thị hiếu và mỹ cảm của người xem qua sự chuyển tải của cái màn hình tivi, mà chỉ riêng những chương mục của một thứ  “văn hóa quảng cáo” không được tuyển chọn kỹ càng, cũng đã đặt ra những vấn đề đáng báo động.
      Cùng với sự cẩn trọng cần thiết trong việc khai thác tối đa sự tài trợ cho các dịch vụ văn hóa, Nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm chính trong sứ mệnh cao cả này. Phải “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người...”. Quan điểm đúng đắn đó từ Nghị quyết của BCHTƯ khóa VIII năm 1998 nếu được thực hiện một cách nghiêm chỉnh bằng những giải pháp đúng và thông minh, tránh hình thức, giả tạo, tránh bệnh “thành tích” khoa trương, chắc đã không có những bức xúc về sự mai một những giá trị văn hóa, sự xuống cấp của đời sống văn hóa trên không ít lĩnh vực hôm nay. Chiếc màn hình tivi là một trong không ít những lĩnh vực đó. Bên cạnh những thành tựu khỏi phải bàn cãi của các chương trình truyền hình có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống xã hội, một trong những khỏi sắc đáng mừng nhất trong các hoạt động văn hóa góp phần đắc lực vào sự nghiệp Đổi Mới, vẫn còn những hạt sạn làm ghê răng cần phải nhặt bỏ.
      Không biết đã có một khảo sát cụ thể nào về lượng thời gian trong một ngày của mỗi người dân, đô thị và nông thôn, được dành cho cái màn hình tivi. Đương nhiên là tùy từng gia cảnh, từng nghề nghiệp mà sự có hưởng thụ sản phầm của văn hóa được chuyển tải qua phương tiện nghe nhìn này, nhưng điều có thể nhận thấy ngay, đây là phương tiện được sử dụng nhiều nhất sau thời gian lao động. Khi mà văn hóa đọc có phần bị chiếc màn hình tivi lấn át, thì cùng với việc tìm mọi cách chấn hưng văn hóa đọc, chăm lo chất lượng sách và đưa sách đến với mọi người, trước hết là cho trẻ nhỏ và thanh niên, cổ vũ cho việc lập “tủ sách gia đình”, phải chăm lo đến sự chuyển tải văn hóa từ cái màn hình tivi.
      Tóm lại, chẳng có cái gì là nhỏ nếu rọi vào cái nhỏ một ánh sáng của suy tư có trách nhiệm. Chẳng hạn, không thể cho là “thành công” nếu tăng trưởng 8,5% còn lạm phát dưới 8% nếu đặt tương quan tăng trưởng và lạm phát trong nỗi ám ảnh của người dân nghèo về vật giá gia tăng. Đấy là chưa nói nỗi lo vật giá gia tăng vốn là một ám ảnh trong cuộc sống bao đời của con người từ xưa đến nay. 
       Sách “Phủ biên tạp lục”, trong Lê Quý Đôn toàn tập, đã chép một bài thơ có hai câu nói lên mối ám ảnh đó: “Vật giá tự vô đằng dũng hoạn, Sinh dân thứ lạc thái bình phong”, mong cho vật giá đừng có nhảy vọt lên nữa để nhân dân có thể vui hưởng thái bình [sau khi đã chấm dứt chiến tranh]. Đây là bài thơ của Lê Viết Trình đưa Lê Quý Đôn trên đường vào Thuận Hóa. Đặt câu thơ cổ của các cụ ta bên cạnh câu nói rất hiện đại của V.I Lenin rất nhiều người biết: sẵn sàng đổi hàng tá cương lĩnh vô bổ để lấy một giải pháp thiết thực đem lại bánh mì cho người thợ sẽ hiểu rõ hơn tấm lòng của những người có trách nhiệm với dân. Càng thấy rõ điều đó hơn khi cùng với lời Lenin, suy ngẫm về tấm lòng của Bác Hồ qua câu nói mộc mạc: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.
      Liệu trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội kỳ này, bên cạnh những công việc to lớn, có mục nào “gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta” về vật giá leo thang để chất vấn, thảo luận và đưa ra được giải pháp thiết thực khiến cho “Sinh dân thứ lạc thái bình phong” như cụ Lê Quý Đôn từng khắc khoải? Cùng với chuyện vật giá leo thang mà tính đến mâm cơm của bao gia đình Việt Nam còn quá đạm bạc để hiểu sâu hơn vì sao thừa ý chí quật cường mà rồi các cầu thủ của ta vẫn phải ngậm ngùi xách valy về nước sau cao trào hưng phấn của lần đầu tiên bóng đá Việt Nam vào tứ kết một giải lớn khu vực. Chuyện thể lực, thể hình ấy, gắn liền với chất lượng sống của con người Việt Nam ta. Mà đã động đến chất lượng sống, thì không thể không nói đến văn hóa, “nền tảng tinh thần của đời sống xã hội”. Phải xây đắp cái nền tảng ấy từ những chuyện cứ tượng như nhỏ nhặt trong bề bộn cuộc sống hàng ngày mà chuyện “thoái trào” của trò chơi truyền hình sau một thời gian bùng nổ “loạn game show” là một trong muôn vàn ví dụ.
      Một cái nhìn thiển cận sẽ để lại những hậu quả rồi sẽ phải trả một giá rất đắt, thậm chí  có khi là vô phương cứu chữa.

Tương Lai


      *Tuổi Trẻ 25 và 26.7.2007.

      Ảnh: vietnamnet.vn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyện nhỏ, chuyện lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO