Chuyên nghiệp, thực sự vì dân

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:19 - Chia sẻ
Sáng nay, 20.10, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV khai mạc trọng thể, bắt đầu chương trình nghị sự với rất nhiều vấn đề hệ trọng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Để chuẩn bị cho kỳ họp này, trong gần 3 tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã tận dụng tối đa thời gian, đổi mới cách thức làm việc, huy động trí tuệ tập thể, trí tuệ chuyên gia, lắng nghe thực tiễn cuộc sống, chủ động vào cuộc, đồng hành sát sao với Chính phủ. “Bộ máy thường trực” của Quốc hội đã làm việc liên tục, không quản ngày đêm, sẵn sàng điều chỉnh chương trình làm việc hay triệu tập các phiên họp khẩn… Như nhiều cử tri ghi nhận, đó chính là “cách thức vận hành của một Quốc hội chuyên nghiệp và hơn hết, của một Quốc hội thực sự vì dân”.

Luôn trong trạng thái sẵn sàng

Khởi đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại với những tác động tiêu cực hơn, nhưng Kỳ họp thứ Nhất đã để lại dấu ấn mạnh mẽ về sự chủ động, nhạy bén, linh hoạt và trách nhiệm của Quốc hội đối với đất nước và Nhân dân. Trong đó, phải kể đến quyết định bổ sung nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong nghị quyết chung của Kỳ họp (Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội), trao thêm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Quyết đáp kể trên, như dư luận cử tri đánh giá, “lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thúc giục Chính phủ “xé rào” để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch”. Càng ngày, tính đúng đắn, giá trị, hiệu quả của nghị quyết này càng được khẳng định trong thực tiễn bởi từ đây đã mở ra cơ chế để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết cho phép Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động, nhiều trong số đó là “vượt khung” quy định của pháp luật hiện hành.

Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, Đảng đoàn Quốc hội đã phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác 24/7 để kịp thời xem xét, đánh giá các đề xuất liên quan đến công tác phòng, chống dịch và xử lý các vấn đề cấp bách trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Gần 3 tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn trong trạng thái sẵn sàng. Các phiên họp khẩn được tiến hành vào buổi chiều muộn, các cuộc làm việc xuyên trưa, các nghị quyết được ký ban hành ngay trong đêm đã trở thành bình thường. Như Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ thực hiện một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại hai phiên họp khẩn và gần như ngay lập tức đi vào cuộc sống, được doanh nghiệp, người lao động, người dân đồng tình, đánh giá cao. Chỉ tính riêng trong tháng 9, có 3 nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để tăng thêm nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động với giá trị lên đến gần 74 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ về chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai đã xúc động chia sẻ rằng, ông và các thành viên Chính phủ “rất cảm động và trân trọng cảm ơn sự phối hợp, sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành, chia sẻ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chính phủ” trong suốt thời gian qua.

Chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp

Một “quy trình đặc biệt”, chưa có tiền lệ đã được Quốc hội áp dụng tại Kỳ họp thứ Nhất để ban hành được Nghị quyết 30/2021/QH15 nhưng từ đây cũng đánh dấu một cách thức làm việc mới của Quốc hội với phương châm “chủ động, từ sớm, từ xa”.

Có thể thấy rõ dấu ấn của phương châm này qua việc chuẩn bị các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. Chỉ nửa tháng sau Kỳ họp thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc đầu tiên với Thường trực các cơ quan của Quốc hội để xác định những vấn đề lớn về quan điểm, về mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với từng dự án luật. Ngay sau cuộc làm việc kể trên, Thường trực các Ủy ban đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan trình, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả vấn đề đặt ra, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, chịu sự tác động… để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, “có những dự án luật thời điểm đó chưa đáp ứng yêu cầu nhưng khi lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vào cuộc sớm như vậy nên đã có đủ thời gian để tiếp tục hoàn thiện. Có dự án luật dự kiến phải rút khỏi chương trình nhưng sau đó đã được hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội đúng tiến độ”.

Từng được mời tham gia một số tọa đàm về các dự án luật do các cơ quan của Quốc hội tổ chức, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ ấn tượng khi các cuộc thảo luận, tọa đàm này “thực sự cởi mở và có chất lượng cao”. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, làm việc trực tuyến với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại hơn 60 điểm cầu trên thế giới để lắng nghe ý kiến, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp về khung khổ pháp lý, về điều hành chính sách vĩ mô và thực thi pháp luật… làm cơ sở cho việc xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Tôi cảm nhận rất rõ một không khí mới rất tích cực qua các cuộc thảo luận. Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy được sự kỳ vọng rất lớn đối với Quốc hội. Vai trò của Quốc hội đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra một khung khổ pháp lý thuận lợi, chắc chắn và tin cậy”, TS. Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.  

Rõ ràng, với việc vào cuộc từ rất sớm như vậy đã giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp. Không chỉ với các dự án luật cụ thể mà sự chủ động dẫn dắt này còn thể hiện ở việc ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã triển khai xây dựng đề án về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Và hôm qua, 19.10, ngay trước khai mạc Kỳ họp thứ Hai, trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Từ định hướng này, Quốc hội sẽ chủ động xác lập các ưu tiên lập pháp trong từng năm, chủ động yêu cầu, “đặt hàng” Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, chuẩn bị, trình các dự án luật để tiếp tục cải cách thể chế đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Nhiều đổi mới quan trọng cũng đã được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong thời gian qua nhằm tăng cường năng lực cho Quốc hội như: Tổ chức Tọa đàm chuyên gia về kinh tế - xã hội, tiến tới tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội, mở ra mạng lưới sáng kiến của Quốc hội… Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tham vấn, sử dụng chuyên gia trong các hoạt động của Quốc hội, trong đó, đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tổ chức hội nghị, tọa đàm tham vấn chuyên gia về các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu lập pháp nhằm cung cấp thêm các nguồn thông tin “đa chiều hơn, xác đáng hơn, có tính bằng chứng hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền”. Chủ tịch Quốc hội cũng đã giao cho Ban Công tác đại biểu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế sử dụng chuyên gia trong hoạt động của Quốc hội, không chỉ dừng lại ở việc tham gia các tọa đàm, diễn đàn đơn lẻ mà hướng đến việc hình thành một đội ngũ chuyên gia hoạt động thường xuyên để tư vấn, tham mưu cho Quốc hội.

Trong lĩnh vực đối ngoại, từ sau Kỳ họp thứ Nhất đến nay, Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng. Quốc hội đã tham dự và đóng góp nhiều sáng kiến cụ thể, thiết thực tại Diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới như: Đại hội đồng AIPA-42, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ V, các hội nghị do Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức… Qua các hoạt động này đã thể hiện sâu sắc vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc dẫn dắt, thúc đẩy các nỗ lực chung của nghị viện khu vực và nghị viện thế giới nhằm giải quyết các thách thức của khu vực và thế giới như: Phục hồi kinh tế sau đại dịch, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, an ninh mạng, hạ tầng số và niềm tin số, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao vaccine, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế…

Trước thềm Kỳ họp thứ Hai, điểm lại một vài dấu ấn như thế để thấy rằng, gần 90 ngày giữa hai Kỳ họp Quốc hội cũng là hành trình miệt mài, dốc hết tâm sức, dồn hết trí lực của lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện trọng trách mà cử tri và Nhân dân giao cho. “Đó chính là cách thức vận hành của một Quốc hội chuyên nghiệp và hơn hết, của một Quốc hội thực sự vì dân”, cử tri Thành phố Hải Phòng đã nhận xét như thế tại cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua với sự trân trọng và tin tưởng vào thành công của Kỳ họp thứ Hai và cả hành trình dài phía trước của Quốc hội.

Hải Lam