Chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá du lịch

Quang Vũ 05/03/2011 07:44

Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả khá ấn tượng, đặc biệt lượng khách du lịch quốc tế không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tại Hội thảo đánh giá thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 do Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch tổ chức giữa tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, để ngành du lịch phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là cần đầu tư và chuyên nghiệp hoá hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu…

Chưa đầu tư đúng mức

Qua 15 năm triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành du lịch (1995-2010), du lịch Việt Nam đã đạt được những con số ấn tượng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm vừa qua đã không ngừng tăng, từ 1,3 triệu lượt khách năm 1995, năm 2010 đã đạt mốc 5 triệu khách; tăng bình quân 9,2%/năm; lượng khách nội địa cũng tăng nhanh, năm 1995 đạt xấp xỉ 7 triệu lượt, năm 2010 là 28 triệu lượt. Dịch vụ du lịch phát triển đã tạo việc làm cho gần 1,5 triệu lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành hàng không, xây dựng, sản xuất thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề. Có được kết quả đó nhờ vào rất nhiều yếu tố, trong đó một phần quan trọng là nhờ hoạt động quảng bá, xúc tiến xây dựng thương hiệu du lịch.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá du lịch ảnh 1
Nguồn: vietbao.vn

Tuy nhiên, tại Hội thảo đánh giá thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng: Việt Nam chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, phát triển du lịch theo lãnh thổ còn thiếu sự gắn kết giữa các địa phương. Bởi vậy, tỷ lệ đóng góp GDP du lịch trong tổng GDP cả nước còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu Quy hoạch tổng thể đặt ra là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đặc biệt là hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch chưa được chú trọng đúng mức. Dẫn đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ xếp thứ 97 trên tổng số 113 nước có hoạt động du lịch. Theo PGS- TS Phạm Trung Lương thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, thì hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam ra thị trường yếu kém thời gian qua là nguyên nhân hạn chế du lịch Việt Nam phát triển. Tuy thời gian qua hoạt động này được thực hiện trên diện rộng, đại trà nhưng có thể thấy hiệu quả mang lại là hình ảnh chung về đất nước, con người Việt Nam chưa sâu đậm trong lòng du khách. Tính chuyên nghiệp, liên tục và hệ thống hướng tới quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam chưa được thể hiện rõ nét. Việc quảng bá còn chung chung, chưa bám sát vào hình ảnh thương hiệu cụ thể.

Tạo đột phá bằng tăng cường quảng bá

Từ thực tế phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010 đặt ra cho du lịch Việt Nam trong lộ trình phát triển những năm tới là phải tăng cường hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu tạo sự thay đổi căn bản cho du lịch Việt Nam bứt phá.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn: việc xây dựng quảng bá du lịch trong thời gian tới sẽ được ngành Du lịch đặc biệt chú trọng, theo quan điểm là quảng bá quy mô lớn, có chiều sâu với những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh và không dàn trải. Thay vì quảng bá đại trà, thiếu trọng tâm và tốn kém như những năm qua, ngành du lịch sẽ tập trung quảng bá theo sản phẩm - thị trường, theo thương hiệu - hình ảnh cụ thể. Đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch ra thế giới. Cụ thể những thị trường mục tiêu như Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ sẽ được quảng bá với tần suất cao, quy mô lớn.

Theo đó, trong năm 2011, ngành Du lịch sẽ triển khai Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn 2030 và các đề án phát triển du lịch giai đoạn 10 năm tới. Cùng với việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, như: xây dựng sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái và văn hóa; tổ chức Năm Du lịch Quốc gia tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với chủ đề Biển đảo; hình thành các vùng du lịch trọng điểm…hoạt động quảng bá sẽ được ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. Cụ thể là: thiết lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở những thị trường trọng điểm và tiềm năng; hình thành mạng lưới trung tâm thông tin du lịch tại các thành phố, trung tâm du lịch lớn ở trong nước; tăng cường quảng bá và hiện diện các sản phẩm du lịch Việt Nam tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế... Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam được coi là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam, đồng thời góp phần tiên phong xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá du lịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO