Còn nhiều lỗ hổng
Toàn tỉnh Nghệ An có 6 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp với hơn 395 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và 189 làng nghề. Các cơ sở, doanh nghiệp đã đóng góp ngân sách khoảng 4.605 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hơn 86.517 lao động… Từ năm 2021 đến nay, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đơn cử, việc chi trả, giải quyết chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cơ bản được hưởng theo quy định. Cụ thể, đến ngày 31.3.2024, có 8.881 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền là 82.216 triệu đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo đúng quy định (từ năm 2021 đến 31.3.2024, có 1.054.378 người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp).
Tuy vậy, so với yêu cầu bảo đảm môi trường an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động còn nhiều lỗ hổng; việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của các cơ sở, doanh nghiệp chưa cao; ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho chính mình của người lao động còn hạn chế… Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước các sở, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, vừa ít số lượng doanh nghiệp được kiểm tra; chất lượng kiểm tra, giám sát chưa cao, phát hiện chậm những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động và việc xử lý chậm, điển hình vi phạm tại Công ty TNHH Châu Tiến.
Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn lao động, làm 20 người chết, 17 người bị thương nặng, 22 người bị thương nhẹ… Trong năm 2023, qua khám bệnh nghề nghiệp và điều tra bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh phát hiện 82 người lao động bị bệnh nghề nghiệp.
Những tồn tại trên dẫn đến tai nạn lao động vẫn xảy ra khiến nhiều người lao động bị thương vong, bị bệnh nghề nghiệp, gây suy giảm sức khỏe, tính mạng… Chưa kể, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp ở một số đơn vị còn chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động…
Tại phiên giải trình, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và nhiều đại biểu kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về ATVSLĐ trên địa bàn; tập huấn, tuyên truyền để người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm ATVSLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp… Đồng thời, tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ các cấp...
Giám sát chặt việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp
Thừa nhận thực trạng chấp hành pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nguyên nhân do cả chủ doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước các cấp... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, tổ chức trên cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá sát thực trạng theo từng nhóm, loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để làm rõ những hạn chế, vướng mắc. Từ đó, đưa ra các giải pháp, đôn đốc chỉ đạo quyết liệt; gắn với đó là nghiêm túc hơn trong xử lý các cơ sở vi phạm.
Để khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế đang đặt ra hiện nay, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp quyết liệt, cụ thể về vấn đề này. Trong đó, cần tăng cường và bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật như Luật ATVSLĐ, Chỉ thị số 31-CT/TW, sử dụng các nguồn lực để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ… nhằm tạo bước chuyển về nhận thức và hành động đối với chủ sử dụng lao động và lao động; gắn với giám sát chặt trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm để ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm các sở, ngành, đơn vị trong giải quyết các vụ việc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là tại Công ty TNHH Châu Tiến… Khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải quyết chế độ đối với những lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giám sát chặt việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh.
“Quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc giải quyết chính sách cho người lao động phù hợp với thực tiễn...”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh.