Nợ đọng gia tăng qua các năm
Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, qua giám sát cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý thu các khoản tiền thuế nợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt và kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ theo quy định. Đồng thời, ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của 2.956 người nộp thuế; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát các trường hợp nợ đọng lớn, chây ỳ, kéo dài, đặc biệt là các dự án đã bán hàng, thu tiền nhưng còn nợ NSNN để đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp xác minh thông tin, phục vụ công tác thu hồi nợ đọng.
Cục Thuế thành phố cũng tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; triển khai thanh tra, kiểm tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu như: doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử, lỗ nhiều năm. Công tác thu hồi nợ đọng qua các năm đạt kết quả khả quan, góp phần vào việc hoàn thành thu ngân sách trên địa bàn...
Đáng chú ý, việc triển khai, đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ giai đoạn 2021 - 2023 đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn thành phố, Cục Thuế đã thực hiện xử lý, đôn đốc thu nộp NSNN đối với 30 dự án (trong đó, 16 dự án đã nộp hết toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất, 14 dự án nộp một phần nghĩa vụ tài chính về đất); tổng số tiền đã xử lý, đôn đốc thu nộp NSNN là 1.078 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng đánh giá, giai đoạn 2021 - 2023, tình hình nợ đọng NSNN trên địa bàn có số tuyệt đối gia tăng qua các năm; trong đó tập trung ở một số địa bàn có số nợ gia tăng cao. Đồng thời, nợ thuế của khối doanh nghiệp và tổ chức hiện vẫn còn lớn (tính đến cuối năm 2023, còn 588 trường hợp với số nợ 3.219 tỷ đồng).
Đặc biệt, bà Hồ Vân Nga cũng chỉ rõ, nợ tiền thuế liên quan tới đất, tỷ lệ nợ đều chiếm trên 50% so với tổng nợ hàng năm, bao gồm: nợ nghĩa vụ tài chính về đất của một số đơn vị lớn nhưng không có khả năng thực hiện nộp nợ; nợ đọng của các tổ chức được Nhà nước giao đất thu tiền sử dụng đất; các khoản nợ chờ xử lý liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất...
"Việc đôn đốc doanh nghiệp nợ đất, chây ỳ nhiều năm chưa có giải pháp phù hợp để có hiệu quả đột phá do nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đến nay, nhiều công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp không có hiệu quả, dẫn đến tiền chậm nộp phát sinh rất lớn", Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh.
Nhiều địa phương chưa quyết liệt thu hồi nợ thuế
Qua giám sát tại một số đơn vị, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhìn nhận, nguyên nhân khách quan (từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố) dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên là do chưa có chế tài xử phạt mang tính chất răn đe đối với các trường hợp nợ thuế nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế... Trong khi đó, các khoản nợ kéo dài nhiều năm dẫn đến nợ gốc cộng thêm số tiền chậm nộp nên số nợ ngày càng tăng lên; một số chủ đầu tư chậm triển khai dự án, không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án...
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và các sở, ngành, địa phương trong xác định, quản lý và thu hồi nợ thuế có lúc còn chưa quyết liệt, chủ động. Việc đôn đốc doanh nghiệp nợ tiền đất, chây ỳ nhiều năm chưa có giải pháp phù hợp để có hiệu quả đột phá do nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đến nay, nhiều công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp không có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về việc tự kê khai nộp thuế của đơn vị chưa được thường xuyên, kịp thời.
Để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố, Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Cục Thuế, các sở, ngành, địa phương trong công tác thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ không nộp thuế, phí; tiếp tục rà soát các dự án có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất để khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền...
Đối với Cục Thuế và các sở, ngành của thành phố, cần tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể để phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế, phí xuống dưới 5% dự toán thu theo quy định; có biện pháp hoàn thành kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra thuế; rà soát các trường hợp thuê đất chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục, hợp đồng và các trường hợp giao đất chưa xác định giá đất theo quy định...