Trong tham luận trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng nêu rõ một số kết quả cụ thể.
Chủ động phối hợp từ sớm, từ xa, hoàn thiện các nội dung, tạo sự đồng thuận
Về phối hợp trong công tác chuẩn bị chương trình, nội dung làm việc của các kỳ họp HĐND thành phố, trong năm 2023, UBND thành phố đã phối hợp chuẩn bị tổ chức thành công 4 kỳ họp HĐND Thành phố, trong đó 2 kỳ họp chuyên đề và 2 kỳ họp thường lệ.
Qua 4 kỳ họp, HĐND thành phố Hải Phòng đã xem xét, thông qua và ban hành 69 nghị quyết quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh thành phố. Đặc biệt, trong đó có nhiều nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án, quy hoạch thành phố, chính quyền đô thị thành phố; các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; tăng cường thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, như hỗ trợ đặc thù cho nhân lực ngành y tế; huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao; hỗ trợ học phí các cấp học phổ thông…
Để chuẩn bị tốt các nội dung trình các kỳ họp, UBND thành phố đã tổ chức họp nhiều lần để chỉ đạo, trong đó nhiều cuộc họp có mời lãnh đạo HĐND, các Ban HĐND thành phố cùng tham dự, bàn giải pháp, thống nhất định hướng triển khai. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố sớm thẩm tra hồ sơ, tài liệu nội dung trình các kỳ họp.
Do đó, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã có điều kiện tham gia ý kiến cùng UBND thành phố, các Sở, ngành Thành phố từ rất sớm, từ xa và hiệu quả khi chuẩn bị và hoàn thiện các nội dung trình các kỳ họp; chất lượng các nội dung ngày càng được nâng lên, là cơ sở quan trọng tạo sự thống nhất cao khi thảo luận, thông qua tại kỳ họp và trong triển khai nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng khẳng định.
Việc phối hợp tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện đầy đủ, đúng quy định tại nơi bầu cử, nơi cư trú của đại biểu, trên cơ sở đó UBND thành phố và các cơ quan của HĐND thành phố tiếp thu, hoàn thiện các nội dung trình kỳ họp.
Đặc biệt, tại các kỳ họp thường lệ, UBND thành phố phối hợp tích cực, hiệu quả với Thường trực HĐND thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri với các nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố, cán bộ lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành, địa phương đã nghỉ hưu (qua Câu lạc bộ Bạch Đằng), các thành viên MTTQ thành phố, Liên hiệp Khoa học kỹ thuật thành phố.
Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố tham dự đầy đủ, trực tiếp trả lời, giải đáp, thông tin thêm các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Bố trí nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Về phối hợp trong xây dựng chương trình, kế hoạch; chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết và công tác giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, ngay sau khi các nghị quyết của HĐND thành phố được ban hành, UBND thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai, trong đó bố trí nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương, có sản phẩm và tiến độ cụ thể; chủ động tăng cường công tác kiểm tra, nghe báo cáo tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết.
Đồng thời, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND thành phố thực hiện nghị quyết; phân công lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự các đoàn giám sát của HĐND thành phố.
Trong năm 2023, UBND thành phố đã phối hợp với Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tổ chức tốt 9 cuộc giám sát việc thực hiện đối với 21 nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ 2021-2026, tập trung giám sát theo các chuyên đề, như: quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý xây dựng, đô thị, tiến độ thực hiện các dự án, an sinh xã hội, giải quyết kiến nghị cử tri…
Sau các chương trình giám sát, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các thông báo kết luận, các kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đoàn giám sát.
Một số kiến nghị được nhiểu cử tri quan tâm sau giám sát đã có giải pháp và được khắc phục sớm, tạo chuyển biến rõ nét như: công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn; công tác quản lý đất đai; cải tạo hè đường, thoát nước; việc giải quyết hồ sơ công nhận liệt sỹ; hỗ trợ xây sửa nhà ở cho người có công, hộ nghèo; những tồn tại của hệ thống y tế cơ sở, chi phí mua sắm trang thiết bị y tế, chế độ hỗ trợ cán bộ ngành y tế...
Đặc biệt, đã phối hợp tốt với Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát nhiều lần đến khi các tồn tại được giải quyết triệt để, như việc xây dựng lan can bảo vệ hồ điều hòa, vấn đề xả thải ra sông Rế làm ô nhiễm nguồn nước ngọt…
Nhìn chung, các nghị quyết của HĐND thành phố được UBND thành phố tổ chức thực hiện từ rất sớm, nghiêm túc, bài bản và có hiệu quả. Các nghị quyết được ban hành đã phát huy hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển thành phố, tạo được niềm tin, phấn khởi trong nhân dân, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri và các cam kết chất vấn
Về phối hợp trong công tác giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri, thực hiện cam kết chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng nêu rõ, sau các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND thành phố đã có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp thường lệ tiếp theo.
Năm 2023, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết, báo cáo kết quả giải quyết tổng số 150 kiến nghị cụ thể của cử tri, tập trung vào các lĩnh vực, như: hạ tầng giao thông; chủ trương đầu tư, bố trí vốn để thực hiện các dự án; tiến độ các dự án đầu tư xây dựng; quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, bố trí tái định cư; tình trạng thoát nước, bảo vệ nguồn nước ngọt; các vấn đề về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đê điều và các lĩnh vực đời sống dân sinh, xã hội khác.
Trong đó, 19% số kiến nghị đã được giải quyết xong dứt điểm, 28% số kiến nghị đã được giải quyết xong một phần, 53% số kiến đang tiếp tục được nghiên cứu giải quyết do còn gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện cam kết chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, năm 2023, UBND thành phố thành phố chỉ đạo trả lời chất vấn bằng văn bản đối với 5 thủ trưởng các sở, ngành là Ủy viên UBND thành phố trên các lĩnh vực: Giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, văn hóa và thể thao, y tế, công thương với tổng số 28 câu hỏi; phân công Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo với tổng số 7 câu hỏi.
Các nội dung chất vấn đều là những vấn đề đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm; nội dung trả lời chất vấn rõ ràng, đầy đủ, làm rõ về kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; cam kết các giải pháp và thời gian thực hiện.
Sau các kỳ chất vấn, UBND thành phố đã chỉ đạo thủ trưởng các ngành triển khai thực hiện nghị quyết về chất vấn, tập trung giải quyết các cam kết chất vấn và báo cáo đầy đủ tại kỳ họp thường lệ tiếp theo.
Về phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố và giải quyết các vấn đề giữa 2 kỳ họp, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của UBND thành phố, tại các Phiên họp thường kỳ hàng tháng, quý, năm, UBND Thành phố đều mời Thường trực HĐND, Ban HĐND thành phố cùng dự họp, tham gia ý kiến vào các nội dung phiên họp. Đặc biệt, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã tham gia nhiều ký kiến về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng tháng.
Trong năm 2023, UBND thành phố đã phối hợp, xin ý kiến Thường trực HĐND thành phố theo thẩm quyền đối với 56 nội dung, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng tài sản công; phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách thành phố; cân đối ngân sách thành phố; điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách của các cơ quan, đơn vị; chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết, đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị quyết của HĐND thành phố…
Ngoài ra, UBND thành phố cũng phối hợp tốt với Thường trực HĐND thành phố trong việc động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác của các đại biểu HĐND thành phố thông qua công tác thi đua khen thưởng, phát động các phong trào thi đua khối các cơ quan HĐND trên địa bàn thành phố.
Nêu rõ, công tác phối hợp giữa UBND thành phố với HĐND TP. Hải Phòng được Lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo HĐND thành phố đặc biệt quan tâm, đặc biệt là sự quan tâm của 2 đồng chí Chủ tịch và thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để UBND, HĐND Thành phố thường xuyên gắn kết chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội thành phố vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn có sự tăng trưởng cao so với năm 2022 và vẫn tiếp tục được xếp trong tốp đầu cả nước. Thành phố đã có 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm 2023.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 10,34% so với năm 2022, gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 103.600 tỷ đồng, đạt 99% dự toán Trung ương giao. Tuy không đạt kế hoạch năm thành phố đề ra là trên 116.400 tỷ đồng nhưng thu nội địa đạt trên 43.400 tỷ đồng, vượt 2,3% dự toán HĐND thành phố giao là 42.500 tỷ đồng.
Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội; quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu sớm hoàn thành việc di chuyển Trung tâm chính trị - hành chính sang khu vực Bắc sông Cấm, thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận.
Tình hình chính trị, xã hội tiếp tục được ổn định; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện với mức năm sau cao hơn năm trước và đi trước một bước so với phát triển kinh tế. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.