Trực tiếp tìm hiểu vấn đề dự định chất vấn

- Thứ Tư, 11/05/2022, 05:53 - Chia sẻ

Theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND, cần thiết bố trí những đại biểu, thành viên Ban HĐND hiểu biết sâu về nội dung đưa ra chất vấn, chuẩn bị kỹ các tài liệu liên quan và trong trường hợp cần thiết, các đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Quá trình điều hành, Chủ tọa thường xuyên gợi mở, định hướng để đại biểu, đặc biệt là đại biểu không chuyên trách ở cơ sở tranh luận, chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Gợi mở để đại biểu không chuyên trách ở cơ sở chất vấn

Những nội dung được lựa chọn đưa ra chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh Thái Nguyên là những vấn đề thời sự, bức xúc trong dư luận hoặc những vấn đề nổi cộm được cử tri và đại biểu quan tâm, yêu cầu làm rõ. Câu hỏi chất vấn được các đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, ngắn gọn, rõ trọng tâm. Trong quá trình điều hành phiên chất vấn, giải trình, Chủ tọa kỳ họp thường xuyên gợi mở, định hướng để đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt là đại biểu không chuyên trách ở cơ sở tranh luận, chất vấn trực tiếp tại hội trường. Qua đó, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn. Thông qua hoạt động chất vấn, giải trình, nhiều vấn đề đã được UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan tiếp thu, triển khai có hiệu quả.

Trực tiếp tìm hiểu vấn đề dự định chất vấn -0
Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức phiên giám sát, giải trình kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. (Ảnh: Quỳnh Hoa)

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức được 4 phiên chất vấn, giải trình tại các phiên họp Thường trực. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 1 phiên giải trình đối với việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã kéo dài qua nhiều kỳ họp, đây là phiên giải trình đầu tiên được tổ chức kết hợp với giám sát chuyên đề. Năm 2022 theo kế hoạch, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 2 phiên chất vấn, giải trình về các vấn đề: Việc triển khai, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi; trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Trước mỗi phiên chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND tỉnh thành lập các đoàn khảo sát, tổ giúp việc đoàn khảo sát tổ chức khảo sát trực tiếp, ghi hình ảnh về các hoạt động liên quan đến nội dung chất vấn, giải trình để xây dựng phóng sự và cung cấp thêm thông tin để đại biểu làm căn cứ chất vấn tại phiên họp. Sau phiên chất vấn và giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, khắc phục những hạn chế, tồn tại; đồng thời giao các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đối với hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ.

Công khai để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát

Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong quá trình tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp HĐND, các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, công tác chuẩn bị nội dung cho các phiên họp này phải kỹ lưỡng, tổng hợp, thu thập đầy đủ thông tin từ nhiều kênh, tiến hành khảo sát sâu, trực tiếp từ cơ sở. Cần thiết bố trí những đại biểu, thành viên Ban HĐND có hiểu biết sâu về nội dung yêu cầu giải trình, chuẩn bị kỹ các tài liệu liên quan và trong trường hợp cần thiết, các đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Nếu người trả lời chất vấn, giải trình chưa trả lời rõ thì cần tranh luận, làm rõ vấn đề.

Thực tế cho thấy, muốn tiếp tục tranh luận, làm rõ, đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ tư liệu, nội dung cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn để khi nêu ra đó là những bằng chứng thuyết phục giúp người trả lời thấy được trách nhiệm của mình để có thể tái chất vấn, tranh luận với tinh thần truy đến cùng vấn đề. Muốn vậy, bên cạnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu, cần tạo kênh thông tin chính thống để đại biểu có thông tin chính xác, kết hợp với việc đi khảo sát thực tế hoặc qua giám sát để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm.

Điều hành nội dung chất vấn, giải trình cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích tái chất vấn, tăng cường đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc. Cần ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn, giải trình hoặc ban hành nghị quyết về chất vấn nếu thấy cần thiết. Trong đó, kiến nghị cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, yêu cầu rõ thời gian hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND; đồng thời, báo cáo HĐND tại kỳ họp tiếp theo. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa liên quan đến nội dung đã được kết luận tại phiên chất vấn, giải trình.

Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Hoạt động chất vấn, giải trình cần công khai, truyền hình, truyền thanh trực tiếp cũng như đăng tải các phóng sự, phỏng vấn về nội dung được chất vấn, đánh giá của cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, các văn bản, tài liệu, nội dung trả lời cần đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

LÊ MINH