Trông chờ quyết sách đúng đắn của HĐND

Trần Đình Huề, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình 24/06/2022 05:52

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023, điều đáng lo lắng nhất đối với phụ huynh học sinh hiện nay là thông tin chính quyền các địa phương đang chuẩn bị quy định mức học phí tăng lên cao. Điều này đặt ra yêu cầu, Thường trực HĐND cấp tỉnh nên phối hợp với UBND, đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét hướng dẫn có thể giảm mức tối thiểu học phí và sẽ tăng dần trong những năm học sau đó, để địa phương quyết định phù hợp và dễ đi vào đời sống xã hội; nghiên cứu cùng với UBND đưa ra đề án miễn giảm học phí cho những vùng khó khăn… Cử tri, Nhân dân đang trông chờ vào quyết sách đúng đắn của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.

Cần nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi

Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, sản xuất kinh doanh mới bắt đầu trở lại bình thường, đời sống của người dân dần dần mới được cải thiện. Nhưng trong lúc thu nhập bình quân chưa tăng được bao nhiêu, các mặt hàng cần thiết phục vụ cho sản xuất và đời sống Nhân dân đồng loạt tăng giá. Đối với phụ huynh học sinh, chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023, điều đáng lo lắng nhất là khi chính quyền các địa phương đang chuẩn bị quy định mức học phí tăng lên cao, có khoản nhiều hơn nữa so với mức thu năm học vừa qua.

Trông chờ quyết sách đúng đắn của HĐND -0
Đại biểu phát biểu tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của thành phố năm học 2022 – 2023. Ảnh: N. Phượng

Học phí khác với giá sách giáo khoa, bởi đây là một loại phí (dù ghi thu, ghi chi) cũng nằm trong ngân sách nhà nước địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định của cấp trên. Việc tăng giá sách giáo khoa do công tác thẩm định, quản lý giá cả của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, tăng học phí lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương theo tình hình thực tế ở cơ sở, bởi vậy các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cần nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi quyết định. Có như vậy, nghị quyết của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương mới đúng, trúng với ý chí nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Chỉ nên gấp đôi tỷ lệ tăng thu nhập của người dân

Với vai trò đại diện Nhân dân, MTTQVN nhiều địa phương đã vào cuộc từ rất sớm thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhất là trong vấn đề chính quyền địa phương có chủ trương: Trong kỳ họp thường lệ giữa năm sắp tới sẽ xem xét mức học phí mới các trường phổ thông công lập. Thường trực HĐND một số địa phương cũng đã đề nghị MTTQVN tăng cường giám sát, phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND về việc tăng học phí chuẩn bị ban hành. Với trách nhiệm trước Nhân dân, MTTQVN các địa phương ngoài tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri như thường lệ đã khẩn trương yêu cầu MTTQVN cấp dưới, các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn của Mặt trận tích cực giám sát; tập hợp ý kiến của người dân liên quan đến kỳ họp của HĐND, nhất là vấn đề tăng học phí.

MTTQVN tổ chức một đợt hoạt động dân chủ rộng rãi, tập hợp được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên trong tất cả các thành viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là những đối tượng chịu tác động lớn của quy định mới. Quán triệt chủ trương chung, dù còn băn khoăn trao đổi, thảo luận rồi đa số tổ chức, đơn vị cũng đồng tình tăng học phí các trường phổ thông công lập trong năm học tới, nhưng việc tăng học phí chỉ nên gấp đôi tỷ lệ tăng thu nhập của người dân, cùng lắm chỉ gấp ba cũng đã khó khăn cho Nhân dân lắm rồi. Trong lúc đó, cũng có vùng chưa muốn tăng học phí trong năm học tới.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Kỳ họp giữa năm sắp đến của HĐND với bao chủ trương, chính sách phải bàn thảo quyết liệt và đi đến quyết định khách quan, khả thi. Vấn đề tăng học phí đối với các trường phổ thông công lập cũng là nội dung hóc búa. Với vai trò đại diện cử tri, lúc này áp lực của người dân, nhất là phụ huynh học sinh lên HĐND rất lớn và suy cho cùng những đề nghị của người dân rất thực tế và chính đáng. Cái khó ở đây không chỉ ngân sách địa phương khó khăn, mà lại cả việc thực hiện quy định mới. Bởi thế nên cũng dễ hiểu người dân rất thắc mắc: Trong năm 2021 lúc cả nước đang gồng mình chống dịch, nhiều địa phương đã phải miễn, giảm học phí trong hai, ba năm liền; nhưng cơ quan chức năng ở Trung ương lại lập phương án đề nghị tăng học phí! Do đó, trước hết Thường trực HĐND nên phối hợp với UBND, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét hướng dẫn có thể cho giảm mức tối thiểu học phí và sẽ tăng dần trong những năm học sau đó, để địa phương quyết định phù hợp thực tế và dễ đi vào đời sống xã hội.

Trong lúc này, Thường trực HĐND tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thường lệ giữa năm, tích cực tổng hợp, phân tích ý kiến của MTTQVN, nguyện vọng của cử tri gửi đến HĐND. Tăng cường giám sát, khảo sát tình hình thực tế, chú trọng đến các ngành, đơn vị liên quan nhiều đến việc tăng thu học phí. Thường trực HĐND nên bàn kỹ và thống nhất với UBND về tờ trình, dự thảo Nghị quyết thu học phí năm học đến; phân công các ban của HĐND xem xét, thẩm tra kỹ lưỡng các dự thảo nghị quyết và có chính kiến rõ ràng về việc tăng học phí. Đặc biệt, Thường trực HĐND nghiên cứu cùng với UBND để có thể đưa ra một đề án miễn giảm học phí những vùng khó khăn trong năm học để HĐND xem xét, quyết định. Trong phạm vi quyền hạn, Thường trực, các ban của HĐND tích cực, trí tuệ chuẩn bị các nội dung cần thiết để giúp đại biểu HĐND quyết định đúng vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay.

Trong khó khăn, vất vả, Nhân dân đang trông chờ vào quyết sách đúng đắn của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trông chờ quyết sách đúng đắn của HĐND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO