Đây là những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Bắc Giang do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khóa XIX sáng qua, 11.12.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước
Năm 2023, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; song với sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Bắc Giang đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. Trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh: tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu chủ yếu cao hơn bình quân chung của cả nước; tiềm lực, vị thế, uy tín của tỉnh ngày càng được nâng lên. Có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tiếp tục là "điểm sáng" trong tăng trưởng của cả nước, cả năm ước đạt 13,45%, đứng đầu cả nước. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực, với sự chỉ đạo sát sao trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2022 Bắc Giang đã vươn lên vị trí thứ 2 cả nước về xếp hạng PCI. Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, tính đến ngày 30.11 toàn tỉnh đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 88.650 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, là một trong 18 tỉnh/thành phố trong cả nước hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước.
Tháo gỡ các "điểm nghẽn" cản trở phát triển
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cũng chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; kinh tế tăng trưởng cao song chưa bền vững; sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như chi phí sản xuất tăng, đơn hàng sụt giảm; phát triển kinh tế dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp; hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; thu ngân sách giảm so với năm 2022…
Năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu: tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%; GRDP bình quân đạt 4.500 USD/người/năm; thu ngân sách nhà nước đạt 16.068 tỷ đồng… và quyết tâm thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Quan tâm củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng gắn với hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước…
Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự thảo nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, với tốc độ tăng GRDP, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2024 ở mức UBND tỉnh đề ra thì năm 2025, những chỉ tiêu này phải tăng cao mới đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần xem xét nâng mức mục tiêu của năm 2024 đối với các chỉ tiêu như: tỷ lệ người lao động tham gia BHXH (hiện dự kiến là 42,5%, chỉ tăng 0,6% so với năm 2023, trong khi mục tiêu đến năm 2025 đạt 47%); tỷ lệ dân số ở nông thôn được dùng nước sạch (hiện dự kiến 57,5%, tăng 1% so với năm 2023, trong khi mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 80%); tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (hiện dự kiến 65,8%, trong khi mục tiêu đến năm 2025 đạt 100%) để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra đến năm 2025.
Các Ban HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quá trình quản lý, điều hành cần linh hoạt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ, thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, môi trường, công tác thanh toán, quyết toán... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả.