Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, cùng với phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong hoạt động giám sát để tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng và thời gian giám sát, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động giám sát giữa các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc với cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, cụ thể hóa nội dung, chương trình, kế hoạch công tác giữa các bên, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
Cũng về nội dung này, theo chia sẻ tại hội nghị, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hải Dương đã ký kết Nghị quyết liên tịch ban hành quy chế phối hợp công tác giữa ba cơ quan, xác định rõ 13 nội dung phối hợp và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chủ thể tham gia. Qua đó, công tác phối hợp của 3 cơ quan được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tham gia được đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, trong đó có hoạt động giám sát của HĐND. Hiệu quả rõ nét là sự phối hợp, tiếp thu kết quả giám sát từ Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND các phường, xã.
“Mắt xích” xâu chuỗi các dữ liệugiám sát
Thường trực HĐND huyện Nam Sách nhấn mạnh: trong hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện, việc tổ chức khảo sát nhằm làm sáng tỏ các nội dung giám sát là cơ sở ban đầu, định hướng cho giám sát; cung cấp số liệu, có thêm nhiều thông tin thực tế, tạo thêm “mắt xích” để xâu chuỗi các dữ liệu giám sát. Đặc biệt, khảo sát còn nhằm mục đích dự báo trước kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát về nội dung đang giám sát. Các ý kiến, kiến nghị, hình ảnh ghi được trong quá trình khảo sát chính là trực quan minh họa sinh động, dữ liệu hữu ích và là căn cứ để kết luận giám sát.
Theo đó, khi tiến hành khảo sát, phải xem xét, đối chiếu trên thực tế với đối tượng, thời gian, địa điểm cụ thể. Trong đó, báo cáo của đối tượng khảo sát, các báo cáo của cơ quan quản lý chỉ mang tính chất tham khảo. Để hoạt động khảo sát hiệu quả, cần đến tận nơi, “đến tận ngõ gõ tận cửa” của hiện trường thực tế liên quan đến nội dung vấn đề khảo sát, đối chiếu với những thông tin đã có (cả thông tin chính thống như báo cáo, thông báo... của cơ quan nhà nước và thông tin chưa chính thống như thông tin trong dư luận...). Từ đó, đưa ra kết luận và có kiến nghị xác đáng.
Phạm vi và đối tượng khảo sát không phù hợp thì kết quả khảo sát không hiệu quả, thông tin thu được sẽ thiếu chắc chắn. Nếu phạm vi và đối tượng khảo sát quá rộng thì thông tin bị loãng, nếu quá hẹp thì dễ dẫn đến đánh giá phiến diện. Do đó, việc xác định phạm vi và đối tượng khảo sát phải được cân nhắc, có chọn lọc cho phù hợp với nội dung, hình thức khảo sát, bảo đảm nguồn tin thu được có cơ sở thực tiễn và khoa học.
Hoạt động khảo sát bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được khảo sát; có thể tổ chức buổi khảo sát riêng trước khi tiến hành giám sát trực tiếp. Cần thiết có thể tổ chức khảo sát lại đối với một số địa điểm thực tế trước khi đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND, để Thường trực HĐND có ý kiến với các cơ quan quản lý về nội dung của kết quả giám sát.
Thông thường, sau khi kết thúc cuộc giám sát, đoàn giám sát báo cáo Thường trực HĐND huyện để nghe và cho ý kiến, sau đó trình kỳ họp hoặc ban hành thông báo các kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, qua khảo sát, nếu "hiện trường" có dấu hiệu rõ về vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đoàn giám sát yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật ngay trong thời gian khảo sát - Thường trực HĐND huyện Nam Sách chia sẻ.
Trực tiếp kiểm tra những vụ việc phức tạp
Tại Hội thảo, các địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát - khâu then chốt quyết định hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Theo đó, để các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quan tâm và nghiêm túc thực hiện nghị quyết, các kiến nghị giám sát, trước và sau các cuộc giám sát, Thường trực, các Ban HĐND huyện Ninh Giang thực hiện nghiêm việc công khai các văn bản như: chương trình, nghị quyết, kế hoạch, báo cáo, kết luận giám sát, khảo sát... Việc công khai này cũng buộc Thường trực, hai Ban và thành viên các đoàn giám sát HĐND huyện phải tự nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của mình.
Thường trực HĐND huyện Kim Thành nhấn mạnh: nội dung Kết luận trực tiếp tại phiên giải trình đánh giá rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại hạn chế, trách nhiệm và lộ trình để từng tổ chức, cá nhân và các ngành liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết tiếp; những nội dung đã thống nhất thời gian giải quyết, đến trước kỳ họp thường lệ gần nhất của HĐND huyện mà chưa được giải quyết đúng thời gian đã thống nhất, thì sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND huyện. Còn theo Thường trực HĐND huyện Bình Giang, bên cạnh quy định rõ mốc thời gian, cần theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát bằng nhiều hình thức và qua nhiều kênh thông tin. Đặc biệt, trực tiếp kiểm tra đối với việc thực hiện kết luận giám sát như các vi phạm về đất đai, môi trường…