Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: 2023 là năm thứ 3 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực, có nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,01%, thu ngân sách đang nỗ lực đạt mốc 20.000 tỷ đồng, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư nâng cấp, một số dự án đầu tư công quy mô lớn đang được đẩy nhanh tốc độ, trong đó có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực này tiếp tục gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm; năng lực nội tại của các doanh nghiệp còn thấp; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, tạo áp lực rất lớn đến việc hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ…
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã được xem trình chiếu Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với những kết quả nổi bật: năm 2023 GRDP ước tăng 5,56%, có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Định Hóa và huyện Đại Từ), vượt 1 huyện so với kế hoạch…
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải ghi nhận quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của các doanh nghiệp và Nhân dân đã kịp thời khắc phục những khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đạt được kết quả khá tích cực trên các lĩnh vực.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, đánh giá công tâm, khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, các chức danh của HĐND tỉnh đều có số phiếu tín nhiệm cao rất cao: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn 100%; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công 100%; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga 96,9%. Đối với các chức danh của UBND tỉnh có số phiếu tín nhiệm cao như sau: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng 100%, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường 100%; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến 95,4%.
Kỳ họp thứ 16 với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, hướng đến thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh một số chỉ tiêu lớn, quan trọng cần tập trung thảo luận, phân tích và thống nhất thực hiện. Đó là: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5%; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 8,5%; giá trị xuất khẩu đạt 8%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.515 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 123 triệu đồng/người/năm... Chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trọng tâm đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, bảo đảm các nghị quyết được ban hành có chất lượng, sát thực tiễn, có tính khả thi cao và đúng quy định pháp luật. Tăng cường khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn; đổi mới công tác tiếp công dân, TXCT và phương thức giám sát theo hướng hiệu quả, đi vào chiều sâu; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
HĐND cần rà soát các nghị quyết, văn bản đã ban hành chưa phù hợp để tham mưu điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế mới cho phù hợp, hiệu quả, khả thi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến an sinh xã hội, tài chính, đầu tư, đất đai, khoáng sản. Chú trọng lựa chọn các vấn đề, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, mang tính chiến lược lâu dài, phát huy nội lực, tạo động lực lan tỏa, kịp thời có biện pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để huy động mọi nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.