KỲ HỌP THỨ 17, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI KHÓA XVI

Tập trung xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng

- Thứ Hai, 01/07/2024, 06:54 - Chia sẻ

Qua giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra trên địa bàn, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố đánh giá công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa thực sự thực chất, hiệu quả.

Tiếp công dân vẫn mang tính hình thức, chiếu lệ

Theo đánh giá của Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp thành phố xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người vượt cấp, giải quyết ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở.

Theo đó, toàn thành phố đã tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân với nội dung khó, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau với tỷ lệ trung bình đạt 82%; việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra của cơ quan Trung ương, Thanh tra thành phố, sở ngành và UBND cấp huyện đạt tỷ lệ trung bình 90%. Các sở, ban, ngành thành phố cũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy và chính quyền các cấp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương nói riêng và của toàn thành phố nói chung.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát thực tế tại nhiều đơn vị, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác tiếp công dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc; việc phân loại, xử lý đơn thư chưa chính xác, vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với kiến nghị, đề nghị với tố cáo, dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài, chậm xử lý, chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo xử lý của UBND thành phố có vụ việc còn chậm, chưa chủ động, quyết liệt khi gặp vấn đề vướng, khó; việc tổ chức thực hiện một số vụ việc đã có quyết định giải quyết, kết luận thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng chậm triển khai, chưa đạt tiến độ đề ra... 

"Đặc biệt, thủ trưởng, người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa đảm bảo số buổi tiếp dân theo quy định; công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn mang tính hình thức, chiếu lệ", Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật dù có nhiều cố gắng song tổ chức thực hiện còn chưa bảo đảm. Còn tới 28% số vụ việc chưa giải quyết xong. Đồng thời, việc giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy; việc thực hiện kết luận thanh tra của các cấp ban hành vẫn chưa đạt tiến độ thành phố đặt ra.

Chưa quan tâm việc giải quyết dứt điểm vụ việc

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên được đoàn giám sát Ban Pháp chế chỉ rõ, một phần do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi chưa thực sự đồng bộ nên một số vụ khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp vẫn còn tồn đọng, chưa có giải pháp. Có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài qua các thời kỳ, chủ yếu  trong lĩnh vực quản lý đất đai...

Đáng chú ý, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại về lĩnh vực đất đai còn hạn chế; công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa chủ động, kịp thời để có phương án phù hợp xử lý tình huống giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân ngay từ cơ sở; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến việc giải quyết dứt điểm vụ việc...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết  khiếu nại, tố cáo của công dân đạt được những kết quả như mục tiêu thành phố đặt ra, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị: Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện cho các địa phương cũng như thành phố Hà Nội trong công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp thực tiễn.

Về phía UBND thành phố, Đoàn giám sát đề nghị cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, cần chỉ đạo các đơn vị rà soát, tổng hợp danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện mà cấp huyện đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo hướng dẫn của thành phố nhưng chưa có văn bản trả lời; kịp thời ban hành văn bản xử lý và chỉ đạo để làm cơ sở tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ việc khó, tồn đọng lâu qua nhiều thời kỳ...

"Thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đối với các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Trên cơ sở đó, để làm căn cứ xếp loại đánh giá cán bộ công chức, viên chức cuối năm", Báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố nhấn mạnh. 

Long Huỳnh
#