Sớm triển khai dự án trọng điểm
Bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội tỉnh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, đại biểu Trịnh Minh Đức (huyện Ý Yên) cho rằng: Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm, đơn cử như các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường ven biển; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên... Để tạo động lực cho kinh tế phát triển, đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thi công giải phóng mặt bằng, thủ tục các công trình trọng điểm...
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc đề nghị, UBND tỉnh cần đồng thời triển khai thực hiện song song 2 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tập trung điều hành để hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2022; nỗ lực ở mức cao nhất hình thành rõ nét nền tảng, tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Xuân Hùng đề nghị tỉnh sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Đây là tuyến giao thông kết nối nhiều tỉnh, thành, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Việc giao thông đi lại thuận tiện sẽ mở ra hướng phát triển mới, đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Mai Văn Quyết cho biết: 6 tháng đầu năm, với nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, một số dự án đầu tư công trình trọng điểm của tỉnh đã sớm được triển khai. Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời, giao tỉnh thi công đoạn tuyến cầu nối giữa Ninh Bình - Nam Định với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Tỉnh Nam Định cũng cam kết bố trí 1.300 - 1.700 tỷ đồng bố trí giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. Để dự án sớm được triển khai, tỉnh chủ động sớm thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng toàn tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng huyện, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Có chính sách thu hút nhân lực ngành y tế
Ấn tượng với việc thực hiện mục tiêu kép, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (huyện Trực Ninh) chia sẻ: Tỉnh đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo tiền đề phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận cán bộ y tế có tâm lý muốn chuyển ra làm việc ở các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, tình trạng đấu thầu thuốc bị đình trệ dẫn đến việc một số bệnh viện, cơ sở y tế thiếu thuốc chữa bệnh. Đại biểu huyện Trực Ninh đề nghị, ngành y tế có giải pháp động viên, khích lệ lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục thu hút nhân lực ngành y tế có chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân và giải quyết sớm tình trạng thiếu thuốc điều trị hiện nay.
Cùng bày tỏ mối quan tâm đến lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lương Hồng Tiến cho biết: Tham gia giám sát cùng các Ban HĐND tỉnh về việc thực hiện tự chủ tại một số bệnh viện trên địa bàn thấy rằng đời sống một bộ phận cán bộ, y bác sĩ không được tốt như trước đây. Tình trạng bỏ bệnh viện công ra làm tại các bệnh viện tư nhân tương đối cao. Với chính sách đãi ngộ như hiện nay, đại biểu cho rằng rất khó để thu hút được nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Vì vậy, ngành y tế tỉnh cần xây dựng đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; có cơ chế tốt hơn đối với đội ngũ cán bộ, bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế công trên địa bàn.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Mai Thanh Long (huyện Giao Thủy) đánh giá, việc triển khai các hình thức dạy học linh hoạt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua là hết sức phù hợp với tình hình thực tiễn. Các giải pháp bảo đảm chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường cũng đem lại những hiệu quả tích cực. Các nhà trường cũng có nhiều đổi mới về phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, những tồn tại trong công tác quản lý thu, chi ngoài học phí; tình trạng dạy thêm, học thêm còn diễn ra... cần được quan tâm xử lý kịp thời. Theo đó, đại biểu đề nghị, ngành giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục quản lý các khoản thu chi đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện các khoản thu, chi ngoài học phí; dạy thêm, học thêm tại các nhà trường.