Thẳng thắn nhìn nhận thách thức
Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét thảo luận nhiều nội dung quan trọng, quyết định thông qua 25 nghị quyết với sự thống nhất cao, làm cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, HĐND tỉnh Phú Yên đã tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm 2024. HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên một số ngành, lĩnh vực là thách thức rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: trên cơ sở dự báo những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong thời gian tới, yêu cầu UBND tỉnh, các ngành, các cấp nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; tập trung triển khai chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tập trung tăng tốc trong 6 tháng cuối năm, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2024 đạt 7,5% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi
Nhiệm vụ đặt ra 6 tháng cuối năm rất lớn, trong khi đó, tỉnh vẫn quyết tâm giữ nguyên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra. Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đó, bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh, đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua. Nhất là thực hiện ngay việc rà soát các chỉ tiêu đạt thấp, xác định nguyên nhân;trên cơ sở đó, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của tỉnh, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện;làm tốt công tác phối hợp, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sáchvà kế hoạch đầu tư công năm 2025 sát với tình hình địa phương, bảo đảm tính khả thi cao. Đồng thời, để kịp thời thực hiện các quy định mới của một số Luật đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực trong năm 2024, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành căn cứ các quy định của luật tham mưu trình HĐND tỉnh cụ thể hóa, bảo đảm việc thực thi đồng bộ ngay khi luật có hiệu lực thi hành…
Bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, chú trọng chính sách người có công, trợ giúp xã hội; đặc biệt, cần tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân, gắn với giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai các giải pháp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, kiểm soát và giảm số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực…