Cơ sở pháp lý giám sát việc thực hiện "lời hứa"
Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa, qua 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã giúp hoạt động giám sát của HĐND các cấp ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, hoạt động chất vấn của HĐND các cấp có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Số lượng, chất lượng câu hỏi tăng lên. Nội dung chất vấn được lựa chọn sát thực tiễn, đúng, trúng những vấn đề “nóng” đang được các đại biểu, cử tri quan tâm như: việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư; quản lý nhà nước về môi trường; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đô thị... Việc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp diễn ra với không khí dân chủ, thẳng thắn, công khai, có tranh luận với tinh thần xây dựng. Hầu hết ý kiến chất vấn đã được giải trình tiếp thu, đề ra các biện pháp chỉ đạo thực hiện. Đối với HĐND cấp tỉnh, từ năm 2022, kết thúc hoạt động chất vấn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, cơ sở để giám sát việc thực hiện "lời hứa" của UBND, các cơ quan chuyên môn.
Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND các cấp ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng hơn. Nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm như: công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực: môi trường, đất đai, bồi thường, giải tỏa, tái định cư, phát triển du lịch, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, công tác cải cách thủ tục hành chính… Phương thức giám sát từng bước được đổi mới, kết hợp giữa giám sát thực tế và giám sát qua báo cáo, nhằm đánh giá toàn diện, sát với tình hình thực tế. Các kiến nghị sau giám sát cơ bản đều được các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, khắc phục.
Trong 7 năm thực hiện Luật, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề, ban hành 115 kiến nghị; Thường trực HĐND cấp huyện đã tổ chức hơn 50 đoàn giám sátchuyên đề trên nhiều lĩnh vực. Thường trực HĐND luôn có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Nội dung giám sát được lựa chọn “đúng” và “trúng”, có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề khó, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân và việc quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Thời gian và hình thức giám sát linh hoạt, kết hợp giữa giám sát trực tiếp tại cơ sở và giám sát qua báo cáo để đánh giá toàn diện và sát thực vấn đề giám sát. Kết quả giám sát đã tác động tích cực tới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của UBND.
Xây dựng hệ thống theo dõi chung về các chuyên đề giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng thẳng thắn chỉ ra: một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát chưa được quy định hoặc chưa điều chỉnh kịp thời tại Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn tới khi thực hiện trên thực tế có phát sinh vướng mắc. Nhất là chưa quy định biện pháp cụ thể để xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm kế hoạch hoặc kiến nghị của HĐND. Trên thực tế, dù các kiến nghị sau giám sát được Thường trực và các Ban của HĐND đôn đốc, nhắc nhở nhưng một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa nghiêm túc thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm các kết luận kiến nghị sau giám sát.
Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: Quy định cụ thể các biện pháp để xử lý nghiêm đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân không chấp hành nghiêm các yêu cầu kế hoạch giám sát hoặc các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND.
Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị: cần xây dựng hệ thống theo dõi chung về nội dung các chuyên đề giám sát từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm việc lựa chọn chuyên đề giám sát theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống số hóa hoạt động giám sát theo quy định tại Điều 29 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 để các địa phương áp dụng triển khai thống nhất. Nghiên cứu đưa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát đã được cụ thể hóa tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này nhằm tạo tính pháp lý cao hơn và thuận tiện cho việc tra cứu triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất.