Sớm tháo gỡ điểm “nghẽn” trong phân cấp, phân quyền

- Thứ Sáu, 15/09/2023, 07:34 - Chia sẻ

NGUYỄN THỊ OANH - Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai

Thời gian qua, các luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản pháp luật của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện, đồng thời ban hành văn bản cụ thể hóa thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, quá trình đó không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với vấn đề phân cấp, phân quyền, rất cần “bàn tay” của Quốc hội, giúp cho việc tháo gỡ những điểm “nghẽn”, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án bờ kè ven sông Đồng Nai được xây dựng sẽ thay đổi diện mạo của thành phố Biên Hòa.
Một đoạn dự án bờ kè ven sông Đồng Nai đang thi công. Nguồn: ITN

Thường trực HĐND các địa phương nói riêng và chính quyền địa phương nói chung rất trân trọng sự lắng nghe và tích cực trong việc xử lý vướng mắc ở địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này thể hiện qua việc 30 nội dung kiến nghị liên quan đến hoạt động HĐND, UBND được Ban Công tác đại biểu tổng hợp tại Văn bản số 320/BCTĐB-CTĐB ngày 18.4.2023 gửi đến Văn phòng Chính phủ, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công bộ, ngành chủ trì nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị theo thẩm quyền và địa phương đang chờ đợi kết quả giải quyết, trả lời thỏa đáng dưới sự giám sát kết quả trả lời của Quốc hội.

Tuy nhiên, những khó, vướng của địa phương trong thi hành pháp luật vẫn còn nhiều. Câu chuyện trong 6 tháng đầu năm 2022, TP. Hồ Chí Minh gửi 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hơn 600 văn bản trả lời, và dù có trả lời thì vẫn còn nhiều nội dung địa phương không biết phải thực hiện như thế nào chính là một ví dụ sinh động và cụ thể. Xin được phân tích thêm ở lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay, gắn với địa bàn cụ thể, đó là phân cấp, phân quyền.

Gắn với phân cấp đồng bộ nguồn lực về tài chính, con người

Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước có giao, căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phân cấp trong quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số ngành, lĩnh vực lại chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể của Trung ương (lĩnh vực thông tin và truyền thông, lao động) nên công tác triển khai thực hiện của địa phương còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm thời gian, tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, quy định phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách phải phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay nhiệm vụ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội đối với một số nhiệm vụ, lĩnh vực còn chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến khó khăn trong phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách. Đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhiệm vụ Trung ương giao nhưng không giao kinh phí cho địa phương như: kinh phí diễn tập phòng thủ, huy động lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quan tự vệ... điều đó gây khó khăn cho việc cân đối, quản lý ngân sách địa phương.

Khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi nhiệm vụ của cấp khác, nhưng thực tế địa phương phải hỗ trợ thêm kinh phí cho các cơ quan Trung ương ở địa phương như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Thống kê, Quân đội. Việc hỗ trợ này, mặc dù Kiểm toán Nhà nước có ý kiến không thống nhất nhưng các ngành dọc chủ quản thường có văn bản gửi địa phương đề nghị hỗ trợ, bởi lẽ các cơ quan ngành dọc đóng chân trên địa bàn cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, phân cấp, phân quyền cho chính quyền, đặc biệt là cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ cần gắn với phân cấp đồng bộ nguồn lực về tài chính và con người để đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Rất cần “bàn tay” của Quốc hội

Đối với tổ chức bộ máy, ở cấp xã, hiện nay Chính phủ đã có Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.8.2023 và có những quy định khắc phục những hạn chế, khó khăn của các văn bản trước đây. Nhưng đối với cấp tỉnh, cấp huyện thì vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, dân số khoảng 1,5 triệu người, có thể nói là thành phố thuộc tỉnh đông dân nhất hiện nay. Dân số Biên Hòa nhiều hơn dân số thành phố Đà Nẵng nhưng bộ máy quản lý nhà nước vẫn là bộ máy cấp huyện, đây là điều bất hợp lý và khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và tạo áp lực công việc rất lớn lên đội ngũ cán bộ công chức. Từ thực tế của địa phương, Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, kiến nghị Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo hướng: Chính phủ quy định số lượng tối đa và số các cơ quan "cứng" được thành lập và quy định "mở" giao cho địa phương tự quyết định việc thành lập một số cơ quan chuyên môn bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện không vượt quá số lượng theo quy định.

Phân cấp quản lý kinh tế - xã hội phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách để bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Những vấn đề khó, vướng của địa phương trong thi hành pháp luật như phân tích nêu trên rất cần “bàn tay” của Quốc hội, giúp cho việc tháo gỡ những điểm “nghẽn”, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.