Rõ chế tài khi không hoặc chậm giải quyết kiến nghị cử tri

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 06:20 - Chia sẻ

Qua các cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thường lệ, việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới; số kiến nghị được giải quyết kỳ sau cao hơn kỳ trước. Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết. Trong đó, có việc cần quy định rõ về chế tài khi không giải quyết hoặc chậm giải quyết các kiến nghị của cử tri và kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND về giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thực hiện nghiêm túc, nhiều đổi mới

Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 12 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Kế hoạch giám sát được xây dựng sớm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban, Tổ đại biểu, Văn phòng HĐND tỉnh. Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban, Thường trực HĐND tỉnh xem xét trực tiếp từng nội dung kiến nghị của cử tri; yêu cầu Tổ trưởng các Tổ đại biểu phát biểu và ý kiến báo cáo giải trình của các cơ quan đơn vị liên quan.

Rõ chế tài khi không hoặc chậm giải quyết kiến nghị cử tri -0
Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh. (Ảnh: Bích Phượng)

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới. Sau khi nhận được văn bản tổng hợp và đề nghị giải quyết trả lời các kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo phân loại các kiến nghị của cử tri theo từng lĩnh vực; xác định thẩm quyền giải quyết và ban hành văn bản phân công, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện giải quyết, trả lời đầy đủ, kịp thời, bảo đảm phù hợp thẩm quyền giải quyết từng nội dung kiến nghị. UBND tổng hợp nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo từng lĩnh vực cụ thể; đã có sự đánh giá, phân loại sắp xếp đưa vào các biểu theo tiêu chí “đã được giải quyết” và “đang tiếp tục giải quyết”. Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri sau mỗi kỳ họp được nâng lên, chất lượng hiệu quả hơn; số kiến nghị của cử tri được giải quyết kỳ sau cao hơn kỳ trước.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri của một số Tổ đại biểu HĐND còn chưa rõ ràng, chính xác. Tỷ lệ kiến nghị của cử tri được giải quyết xong dứt điểm vẫn còn thấp. Một số kiến nghị của cử tri còn kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Nguyên nhân bên cạnh do một số kiến nghị của cử tri cần phải có thời gian, nguồn lực, lộ trình, giai đoạn giải quyết, chưa thể giải quyết ngay được, như: Kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng... Còn do trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa thực sự quyết liệt, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết, tổng hợp, trả lời kiến nghị của cử tri chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời...

Quy định cụ thể thời hạn giải quyết

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, theo Ban pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, trước hết, cần nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri. Sau mỗi cuộc TXCT, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức hội nghị với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cấp huyện thống nhất tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền giải quyết. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri bảo đảm cụ thể, rõ ràng, đánh giá những mặt được, chỉ rõ mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, xác định được nguyên nhân của từng kiến nghị cử tri, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết. Trường hợp còn nhiều kiến nghị cử tri chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Nội dung Nghị quyết phải nêu rõ các kiến nghị cử tri chưa được giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết.

Cùng với công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri để người dân tham gia giám sát, hàng năm, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND xem xét tổ chức giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND về giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là những kiến nghị chưa được giải quyết của các kỳ họp trước. đặc biệt, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhất là những kiến nghị ở đơn vị đã bầu ra mình.

Cũng theo Ban pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung hay ban hành văn bản hướng dẫn Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, trong đó quy định cụ thể thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh thì UBND tỉnh phải có trách nhiệm trả lời; quy định rõ về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc chậm giải quyết các kiến nghị của cử tri và kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND về giải quyết kiến nghị của cử tri.

TRANG NGUYỄN