Coi trọng khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động
Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị, tổ chức kỳ họp, chủ động chuẩn bị nội dung các kỳ họp trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương.
Theo đó, cùng với quy định rõ thời gian hoàn thành và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chuẩn bị bảo đảm quy trình, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan ngay từ việc đề xuất và xây dựng dự thảo các nghị quyết của HĐND tỉnh; thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết chặt chẽ, đúng quy định. Trong đó, coi trọng việc khảo sát thực tiễn tại cơ sở trước khi thẩm tra; yêu cầu các cơ quan chỉnh sửa, bổ sung các nội dung chưa bảo đảm để hoàn thiện trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Các nghị quyết được xây dựng đúng trình tự, thủ tục luật định, có sự thẩm định, thẩm tra của các cơ quan thẩm quyền, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động theo đúng quy định; được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia góp ý và giám sát.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuẩn bị, điều hành kỳ họp được đẩy mạnh, nhất là trong cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu dự kỳ họp. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, linh hoạt; điều hành kỳ họp có nhiều đổi mới. Thời lượng các phiên họp được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được nâng lên để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát; dành thời gian thỏa đáng, tăng cường tranh luận tại phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, thể hiện tâm huyết, trách nhiệmcủa đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trước cử tri và công việc được giao. Từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa XIX, có 134 lượt đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận. Tại Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 5, có 19 lượt đại biểu tham gia chất vấn, với 12 lượt lãnh đạo và thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan trả lời.
Quyết sách quan trọng, sát thực tiễn
Theo Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tốt vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, kịp thời quyết định nhiều quyết sách quan trọng, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo HĐND tỉnh tổ chức 17 kỳ họp, ban hành 256 nghị quyết về công tác tổ chức cán bộ, các biện pháp, chính sáchnhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trọng tâm là thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Về định hướng cả giai đoạn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 15.12.2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 5 năm 2021 - 2025; xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; là cơ sở để UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm, bảo đảm lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của 5 năm 2021- 2025. Qua 2 năm rưỡi thực hiện đãđạt được của một số chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá so sánh 2010): thực hiện năm 2021 tăng 6,72% so với năm 2020 (kế hoạch 8,02%); năm 2022 tăng 8,66% so với năm 2021 (kế hoạch 8,33%); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,55% so với 6 tháng đầu năm 2022 (mục tiêu Nghị quyết Đại hội đến năm 2025 trên 8%).
HĐND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết bảo đảm thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại; phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của thị trường.