Tập trung cao cho phát triển công nghiệp, dịch vụ
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản cho biết, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế nước ta chịu nhiều sóng gió, tác động mạnh nhất là những nơi kinh tế có độ mở lớn như tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, nhờ dự báo sớm, với quyết tâm cao, quản lý, điều hành linh hoạt, sáng tạo, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân và người lao động... kinh tế của Bắc Giang vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao.
Theo dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 14,5%. Để có thể hoàn thành được mục tiêu này, đại biểu đề nghị tỉnh cần tập trung cao cho phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trước hết, khẩn trương lập, phê duyệt xong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo phân kỳ đầu tư; sớm trình các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phê duyệt hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng hạ tầng. Các địa phương ngay từ đầu năm cần khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp và các dự án có kế hoạch thực hiện năm 2024. Chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư để họ hoàn thiện thủ tục, sớm xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 1,5%. Dư địa tăng trưởng của nông nghiệp là đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa. Trọng tâm là chăn nuôi trang trại, gia trại, sản xuất rau quả theo vùng tập trung và phát triển mạnh các sản phẩm OCOP.
Đưa chỉ tiêu, giải pháp phát triển sản phẩm OCOP vào kế hoạch
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong xây dựng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đại biểu Trần Thị Vượng (Tổ đại biểu huyện Yên Thế) đã đưa ra nhiều kiến nghị. Theo đại biểu, đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh” có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 31.12.2025 là rất ngắn. Các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao nếu không nâng được hạng sao trong năm 2024, 2025 thì sẽ không có cơ hội thụ hưởng chính sách; đồng thời không phải sản phẩm nào đã đạt 3 sao năm 2023 mà trong năm 2024, 2025 đều có thể nâng được hạng sao, rất cần sự hỗ trợ của chính sách.
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu đề nghị tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2.6.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; rà soát quy định chức năng, nhiệm vụ để tránh trùng chéo, không rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường kiểm tra công vụ và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; đồng thời, triển khai thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29.9.2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Vì vậy, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách này; ngắn nhất là đến hết năm 2026 hoặc lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ một phần lãi suất cho các chủ thể khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm OCOP.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong xây dựng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, theo đại biểu, các huyện, xã, thị trấn cần rà soát, đánh giá xác định các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương; xác định rõ số lượng, danh mục các sản phẩm cần xây dựng, đối tượng, nguồn lực thực hiện... Qua đó, có kế hoạch và các cơ chế ưu tiên (vốn, đất đai, công nghệ…), đưa chỉ tiêu và giải pháp cụ thể về phát triển sản phẩm OCOP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn của tỉnh, huyện, thành phố và các xã, thị trấn.
Tránh tình trạng đào tạo xong để đấy
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội, giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Đỗ Thị Hải Yến (Tổ đại biểu huyện Tân Yên) cho rằng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn thường xuyên cập nhật các văn bản, quy định của pháp luật, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trong đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến xã. Hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho cấp huyện về nội dung cộng đồng dân cư mua sắm trang thiết bị, vật tư, hàng hóa, con giống cho nhóm cộng đồng dân cư; hướng dẫn các địa phương thực hiện đấu thầu, chỉ định thầu, ký hợp đồng... với đơn vị, cá nhân để cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho cộng đồng dân cư theo Thông báo số 206/TB-UBND ngày 29.4.2023 của UBND tỉnh.
Đối với những nội dung chưa rõ, UBND tỉnh cần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương để Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo sớm được triển khai và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần nghiên cứu, đề ra giải pháp thu hút, phân loại các đối tượng theo độ tuổi đào tạo nghề cho lao động có thể làm việc được ngay, tránh tình trạng đào tạo xong để đấy.