Dự hội nghị có: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh Phan Đức Đồng; đại diện Thường trực HĐND 11 huyện, thành phố, thị xã trực thuộc cụm.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để HĐND các cấp trao đổi, thảo luận những vướng mắc, khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm, những giải pháp hay để thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động giám sát chuyên đề trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung thảo luận về cách thức, quy trình giám sát; các hoạt động khảo sát trước giám sát; việc lựa chọn, tham vấn, mời chuyên gia tham gia Đoàn giám sát; các nội dung cần đưa vào báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND... Đồng thời, đây cũng là dịp để Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện cụm 2 tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp trong hoạt động của HĐND nói chung, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí; đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bùi Duy Sơn nêu rõ: Trong quá trình hoạt động Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm nhiệm kỳ trước để tổ chức, triển khai giám sát chuyên đề một cách chủ động, sáng tạo, thực chất và đúng quy định của pháp luật. Qua đó giúp HĐND đưa ra những quyết định quan trọng ở địa phương phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Một số địa phương chưa tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND; hoạt động giám sát chuyên đề trên một số lĩnh vực vẫn còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; việc khắc phục xử lý sau một số cuộc giám sát còn chậm và chưa đúng mức, chủ yếu mới chỉ nhắc nhở, khắc phục sai sót…
Tại Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh nêu một số vấn đề để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, như: Việc lựa chọn nội dung, vấn đề để đưa vào Nghị quyết chương trình giám sát của HĐND; phân công chủ thể, lựa chọn thời điểm và công tác phối hợp để thực hiện giám sát chuyên đề; bảo đảm sự tham gia của các đại biểu HĐND, đại diện các cơ quan, tổ chức vào hoạt động giám sát chuyên đề; công tác chuẩn bị để thực hiện giám sát chuyên đề; việc ban hành nghị quyết sau giám sát chuyên đề và theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết… Đồng thời, trao đổi những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, hoạt động giám sát là chức năng, thẩm quyền quan trọng và mang tính pháp lý cao của hội đồng nhân dân các cấp bằng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND… Hoạt động giám sát được triển khai ở 4 cấp độ: Giám sát của HĐND, giám sát của Thường trực HĐND, giám sát của các ban HĐND và giám sát của các đại biểu HĐND.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc xác định nội dung giám sát chuyên đề đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; việc xây dựng đề cương phải có chất lượng; cách thức, hình thức triển khai giám sát cần quan tâm gắn hoạt động khảo sát đến tận từng đối tượng chịu tác động các nội dung, vấn đề đang triển khai giám sát, nhằm bảo đảm nắm bắt được tổng thể, cơ bản nội dung giám sát….
Từ hoạt động thực tiễn, các ý kiến kiến nghị cần tăng cường mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện; giữa HĐND với các cấp ủy, chính quyền, kiểm toán có cùng chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát để tránh trùng lặp về nội dung và tăng cường sử dụng kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát giữa các cấp, các ngành, vì mục tiêu cuối cùng là tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển chung…