Gắn giám sát chuyên đề với tham vấn ý kiến Nhân dân để đánh giá tác động chính sách

Mở cửa mời người dân đồng hành

- Thứ Ba, 29/11/2022, 04:49 - Chia sẻ

Chừng nào kết luận giám sát cứ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và chung chung thì chừng ấy, hiệu quả giám sát chuyên đề sẽ vẫn chỉ là chung chung, HĐND không phát huy được quyền giám sát như Luật và Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong đợi. Đổi mới trong chính trình tự giám sát, mở cửa mời người dân đồng hành, thậm chí tham vấn ý kiến Nhân dân và cử tri theo chuyên đề là những cách làm rất hay cần vận dụng và nhân rộng.

Tham vấn ý kiến Nhân dân về chuyên đề giám sát

Hiện nay, chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát chuyên đề; ngoài tiếp cận thông tin từ báo cáo của các đơn vị gửi lên, còn tham khảo ý kiến chuyên gia trên lĩnh vực giám sát, tổ chức TXCT trực tiếp lắng nghe ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến cử tri trên lĩnh vực giám sát để nghe thêm phản ánh, từ đó lựa chọn phương pháp làm việc qua hội nghị hay đi thực tế để kết luận giám sát thiết thực nhất… được nhiều địa phương áp dụng, trong đó có HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Cử tri phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đóng góp ý kiến về việc thực hiện các cơ chế xây dựng và chỉnh trang đô thị của thị xã  - ẢNH BÌNH NGUYÊN
Cử tri phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đóng góp ý kiến về việc thực hiện các cơ chế xây dựng và chỉnh trang đô thị của thị xã Ảnh: Bình Nguyên

Từ khi áp dụng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND thị xã được đổi mới từ lựa chọn chuyên đề đến trình tự, thủ tục, phương thức giám sát. Trong đó, chú trọng mời những người có chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực sẽ giám sát tham gia đoàn giám sát, khi cần thiết có thể trưng tập các cơ quan, cán bộ công chức liên quan đến vấn đề giám sát để giải đáp những thắc mắc của cử tri cũng như cung cấp thêm những thông tin cho đoàn tham khảo trước khi có kết luận về kết quả giám sát. Tuy nhiên, không ít kiến nghị, yêu cầu sau khi kết luận giám sát chưa được các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Chỉ khi quá thời hạn, hoặc hỏi đến thì mới thực hiện, thậm chí có đơn vị thực hiện chiếu lệ, đối phó.

Do vậy, việc tổ chức được các hội nghị, tọa đàm để tham vấn ý kiến của cử tri và Nhân dân về chuyên đề giám sát, nhất là các chuyên đề giám sát để kiểm nghiệm việc thực thi pháp luật, đánh giá hiệu quả thực thi của các nghị quyết do chính HĐND ban hành là cách làm hay. Vừa giúp đoàn giám sát có căn cứ thực tiễn để kết luận chính xác; đồng thời, cũng tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia vào hoạt động giám sát theo chuyên đề của cơ quan dân cử.

“Tôi thấy Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh về việc hấp thụ các cơ chế, chính sách về chỉnh trang đô thị của HĐND thị xã có cách làm rất hay khi mời cử tri chúng tôi cùng tham gia, tham vấn ý kiến của cử tri - là đối tượng điều chỉnh của chính sách rất phù hợp. Qua đó, mặt được, khó khăn vướng mắc được cử tri có diễn đàn riêng để bày tỏ đúng địa chỉ. Đơn cử như vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng do đâu được chỉ rõ từng đoạn, từng tuyến đường; vướng mắc trong chậm quyết toán do đâu, do dân hay địa phương hay cấp trên cũng được đối soát cụ thể. Đây là cách làm hay, đề nghị các đoàn kiểm tra, giám sát nên vận dụng” - cử tri Phan Quang Tảo, tổ dân phố 5, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.

Tạo điều kiện để cử tri, Nhân dân tiếp cận

“Chỉ khi kiến nghị trong kết luận giám sát rõ ràng việc A, cơ quan B phải giải quyết, thời điểm, lộ trình cụ thể thì Kết luận đó mới có sức sống và thuyết phục bởi các bằng chứng, dẫn chứng cụ thể. Chừng nào kết luận giám sát cứ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và chung chung thì chừng ấy, hiệu quả giám sát chuyên đề sẽ vẫn chỉ là chung chung, HĐND không phát huy được quyền giám sát như Luật và Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong đợi. Đổi mới trong chính trình tự giám sát, mở cửa mời người dân đồng hành, thậm chí tham vấn ý kiến Nhân dân và cử tri theo chuyên đề là những cách làm rất hay, nhất là đối với việc kiểm nghiệm chính sách, pháp luật cũng như nghị quyết chuyên đề của HĐND, nên vận dụng và nhân rộng”  Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Đặng Minh Khang khẳng định.

Để làm được điều này, ngoài vận dụng trình tự giám sát chuyên đề theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 năm 2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản thân cơ quan thực hiện giám sát chuyên đề là Thường trực, các Ban của HĐND cần tích cực ứng dụng công nghệ số vào chính hoạt động của mình, nhất là công khai, minh bạch trên nền tảng số các quyết sách của HĐND, các nội dung, chuyên đề giám sát trên internet, các trang/cổng TTĐT của HĐND, của địa phương để cử tri, Nhân dân có thể tiếp cận.

Ngoài ra, cần bàn bạc kỹ trong việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát. Chuyên đề càng sát, rõ vấn đề mà đa số cử tri và Nhân dân quan tâm thì khi tổ chức diễn đàn tham vấn hoặc mời cử tri tham gia sẽ thu hút đông đảo cử tri tham gia, quan tâm và bày tỏ chính kiến. “Chẳng cần phải cao siêu, tổng quát, HĐND chỉ cần lắng nghe dân, giám sát những vấn đề mà cử tri quan tâm thì cử tri sẽ đồng hành, không nên chạy theo phong trào, số lượng mà cần làm thực chất. Như chuyên đề thực hiện cơ chế chỉnh trang đô thị của thị xã Hồng Lĩnh mà Thường trực HĐND thị xã tổ chức theo tôi thấy là thiết thực, cần thiết. Nếu có thể tổ chức quy mô lớn thành TXCT chuyên đề để tham vấn ý kiến, tin chắc sẽ có đông đảo cử tri quan tâm và tham gia” - cử tri Bùi Hợi - phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh khẳng định.

LÊ HỒNG HẠNH, PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNH