Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh NGUYỄN THỊ THÚY NGA:
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm
Năm 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh, và các giải pháp điều hành mà UBND tỉnh đề ra cho năm 2024.
Bên cạnh đó, tỉnh tạo mọi điều kiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Bởi, 2024 là năm thứ tư của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025, nên cần có đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện, để kịp thời dự kiến cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từng bước đạt được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển bền vững, hiệu quả, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm an ninh lương thực, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
UBND tỉnh cũng cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh theo mục tiêu tại Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Mặt khác, tập trung xử lý các tồn đọng về đất đai, khoáng sản; tháo gỡ vướng mắc trong công tác định giá đất; kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ số điều chỉnh giá đất khi giá đất trên thị trường có biến động…
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ĐÀO THỊ ANH NGA:
Ưu tiên cân đối nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đã ban hành
UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, ưu tiên cân đối nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đã ban hành. Tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết phát triển văn hóa Hà Tĩnh sau khi Nghị quyết ban hành.
Đồng thời, sớm kiện toàn, tổ chức bộ máy ngành y tế theo Kết luận số 98 ngày 26.9.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống y tế - dân số, BHYT, số hóa hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh…
UBND tỉnh cần tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; xem xét ban hành chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê… Đặc biệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án chuyển đổi số, Kế hoạch phát triển chuyển đổi số trên địa bàn, nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số để có các giải pháp thực hiện hiệu quả…
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh NGUYỄN THỊ NHUẦN:
Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp
Thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình; tập trung lực lượng để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội; tích cực đấu tranh, phòng ngừa, không để các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tiếp tục gia tăng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm… Đồng thời, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung rà soát để giải quyết gọn các khiếu nại, tố cáo trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách người có công và các tranh chấp khiếu kiện về đất đai…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục kiểm soát và xử lý nghiêm phương tiện quá tải, ô nhiễm môi trường, quá hạn sử dụng, không đăng ký, đăng kiểm… Chấn chỉnh công tác tham mưu điều hành, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên, môi trường, chính sách xã hội. Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới phương thức điều hành, quản lý…
Các cơ quan Tư pháp tích cực đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực nghiệp vụ và bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Viện Kiểm sát các cấp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tiếp nhận… Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các loại án; nắm bắt, xem xét tình hình, nhiệm vụ chính trị để xét xử đúng pháp luật, sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương…