Dư âm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Lan tỏa tinh thần hành động, vì dân của Quốc hội

- Thứ Ba, 20/09/2022, 06:25 - Chia sẻ

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc. Nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội đã tiếp tục khẳng định tinh thần hành động, lắng nghe, quyết liệt đổi mới mạnh mẽ, vì dân của Quốc hội. Không chỉ đồng hành đưa các quyết sách vào cuộc sống, đông đảo cử tri và Nhân dân mong muốn tinh thần đó tiếp tục lan tỏa đến hoạt động của HĐND các cấp để phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan dân cử.

Kỳ vọng những quyết sách phù hợp

Có thể thấy, với tinh thần hành động, quyết liệt đổi mới mạnh mẽ, vì dân, nhất là việc huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH, cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách, hoạt động của Quốc hội đã phát huy hiệu quả thiết thực, được đông đảo cử tri, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao và bày tỏ kỳ vọng lớn.

Lan tỏa tinh thần hành động, vì dân của Quốc hội -0
Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tham vấn nhân dân về sửa đổi Nghị quyết của HĐND tỉnh bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp huyện, xã Ảnh: Hoàng Huyền

Điển hình, Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và rất nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 - 2023, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Như Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành đã tạo động lực và niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đạt được sự đồng thuận rất cao, tác động toàn diện cả tổng cung và tổng cầu, sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn chính sách tiền tệ, ban hành đúng lúc, kịp thời với tinh thần tự tin trong dư địa chính sách, mà như nhiều diễn giả đã nói “ơn giời nhờ có các chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian qua mà nền tảng vĩ mô và khả năng chống chịu của nền kinh tế đã khá tốt”.

Tiếp nối thành công đó, theo nhiều cử tri và chuyên gia, việc Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thường niên Diễn đàn với tên gọi mới từ năm 2022 là "Diễn đàn kinh tế - Xã hội Việt Nam" chính là một cơ chế tham vấn ý kiến thường niên hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục thể hiện rõ tinh thần đổi mới, quyết liệt, chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước; khẳng định Quốc hội luôn coi trọng việc lắng nghe tiếng nói từ thực tế cuộc sống và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước vào việc thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định và giám sát tối cao.

Với sự tham dự của hơn 450 đại biểu Trung ương và địa phương; đồng thời, kết nối trực tuyến với 6 học viện, trường đại học với khoảng 600 giảng viên, sinh viên theo dõi để tăng tính tương tác; 44 ý kiến của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành tại các phiên chuyên đề và tọa đàm cấp cao. Qua lắng nghe những thông tin hữu ích từ cuộc sống, từ phân tích khoa học của các chuyên gia, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, từ những bài học rút ra của Việt Nam và thế giới... đông đảo cử tri và Nhân dân kỳ vọng, Quốc hội sẽ có những quyết sách phù hợp để “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” như chủ đề Diễn đàn hướng tới.

Đồng hành đưa chính sách vào cuộc sống

Để các quyết sách của Quốc hội sát, trúng và đạt mục tiêu như Diễn đàn đề ra, nhất là thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ có hiệu quả, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, bên cạnh lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, từ phân tích khoa học của các chuyên gia, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, từ những bài học rút ra của Việt Nam và thế giới như một kênh thông tin quan trọng để có những quyết sách kịp thời, sát đúng, sự vào cuộc, sự đồng hành của các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là việc tiếp tục tăng cường sự liên thông, gắn kết hoạt động của Quốc hội với HĐND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Thực hiện được việc này không chỉ phát huy vai trò của Đoàn ĐBQH ở các địa phương mà còn góp phần lan tỏa được vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử trong thực hiện trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thực tế, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp tỉnh đã thực sự làm “cầu nối” góp phần liên thông, lan tỏa các quyết sách trên nghị trường Hội nghị Diên Hồng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, việc triển khai thực thi Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội được hầu hết các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Cùng với phối hợp các Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri, tổ chức các hội nghị để tuyên truyền, giải thích Nghị quyết tới các bậc cử tri và nhân dân thì trên cơ sở thẩm quyền được luật giao, HĐND các địa phương cũng đã bàn, quyết định các chính sách phù hợp để góp phần làm “đòn bẩy”, đồng hành hiện thực hóa các mục tiêu của nghị quyết Trung ương ban hành. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, rất nhiều địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và huy động nguồn lực rất lớn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19. 

Cùng với bàn thảo các chính sách, HĐND các tỉnh, thành phố cũng đã bàn các giải pháp cụ thể cùng với UBND cụ thể hóa việc thực thi Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Việc thực thi các nghị quyết của Quốc hội cũng được cơ quan dân cử ở các địa phương đồng hành, giám sát. Tại Nghệ An, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, HĐND tỉnh đã tập trung vào 2 nội dung chính là kết quả thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Với nội dung chất vấn về triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, đã có 5 lượt đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tập trung trên nhiều nội dung liên quan, đặc biệt là giải quyết các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ đồng hành đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đông đảo cử tri và Nhân dân mong muốn, tinh thần hành động, đổi mới mạnh mẽ các hoạt động của Quốc hội theo hướng luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, nhân dân… tiếp tục lan tỏa đến HĐND các cấp bằng việc tăng cường các hoạt động tham vấn ý kiến Nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp các cơ quan dân cử.

Lan tỏa tinh thần hành động, vì dân của Quốc hội -0

SONG NGUYÊN