77 năm - Hành trình kỳ tích người Chứt

Kỳ 4: Người Chứt bước ra nghị trường

- Thứ Ba, 25/04/2023, 06:40 - Chia sẻ

77 năm - Từ câu chuyện hòm phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, hôm nay người Chứt không chỉ vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa mới, góp phần giữ gìn biên cương mà nhờ “ý Đảng, lòng dân” còn làm được nhiều điều kỳ diệu kỳ, người Chứt đã đóng góp cho Quốc hội 2 nữ đại biểu xuất sắc, đóng góp trí tuệ vào nhiều quyết sách kiến quốc của Quốc hội.

Băng rừng đi họp Quốc hội

Người Chứt đầu tiên vinh dự bước ra nghị trường là bà Cao Thị Lèng (SN 1959, ở xã Dân Hóa, Huyện Minh Hóa), Đại biểu Quốc hội khóa X (1997 - 2002). Chúng tôi ngược đường 12A xuyên giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, tiếp tục hành trình đến với những bản làng dân tộc Chứt xa xôi ở xã Dân Hóa giáp biên giới Việt - Lào, về thăm bà Lèng và những người dân để nghe về những dấu ấn của Đảng, của Quốc hội khắc sâu trong tâm hồn đồng bào Chứt nơi đây.

Kỳ 4: Người Chứt bước ra nghị trường -1
Cao Thị Giang phát biểu tại kỳ họp Quốc hội (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhắc đến bà Lèng ĐBQH thì dân miền Tây Quảng Bình ai cũng biết. Bà Lèng chính là tiêu biểu cho lòng người Chứt theo Đảng một dạ trung kiên. Khi biết chúng tôi là phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, bà Lèng vui như gặp lại người thân, câu chuyện cứ thế được khách và chủ thân mật hàn huyên về những tháng năm cống hiến của một nữ đại biểu Quốc hội người dân tộc Chứt.

Bà Lèng có tuổi thơ rất cơ cực, mồ côi bố mẹ từ lúc 10 tuổi, quê gốc của bà ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, khi bố mẹ mất, bà theo anh trai lên xã Dân Hóa sống. Nhờ chịu khó học hành nên bà được làm giáo viên mầm non, tuổi đôi mươi, bà được địa phương cử đi học ngành y để về phục vụ thôn bản. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng được anh trai động viên, bà Lèng đã khăn gói vào TP. Huế vừa học văn hóa hết lớp 7, vừa học chuyên môn ngành y.

Sau 3 năm chăm chỉ học tập với kết quả tốt, bà Lèng về quê hương nhận nhiệm vụ. Bà Lèng hồi tưởng “Học xong, tôi về làm hợp đồng ở Trạm Y tế xã Dân Hóa 4 năm. Những năm đó không có chế độ gì hết, phải đi xin lúa, sắn của bà con ăn. Sau chính quyền xã thương nên cho mỗi tháng 5kg gạo. Còn thức ăn thì mình tự kiếm”. Chuyện về những năm tháng đầu làm cán bộ của bà Lèng là như thế, nhưng bà đã vượt qua để trưởng thành đã làm tấm gương sáng cho con em người Chứt noi theo, phấn đấu sau này.

Gian khổ dường như luôn đeo bám tuổi trẻ của bà Lèng, lấy chồng sinh con gái được 6 tuổi thì chồng bà cũng qua đời. Bà phải làm mẹ đơn thân nuôi con nhỏ vừa lo công tác ở trạm xá. Ai đau ốm, sinh nở ở đâu mà đến kêu là bà lại lặn lội dụng cụ tay nách băng rừng đi chữa trị. Trạm có chỉ có 4 người và bà là phụ nữ duy nhất.

"Hàng ngày đi làm, đi khám, chữa bệnh cho bà con, miềng cõng con sau lưng mà đi, đi bộ từ bản này qua bản khác có khi đi mấy ngày, toàn đi lối mòn, lội suối chứ làm gì có đường như bây giờ. Làm một mình, đi một mình vậy đó. Rừng Trường Sơn hai mùa mưa nắng, mùa mưa nước đổ trắng trời như “giăng màn”, có lúc đi đỡ đẻ cho bà con từ bản này sang bản khác, gặp lũ, mẹ con phải ở lại giữa đường cả tuần vất vả lắm"! - bà nói. 

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bà Lèng luôn tin tưởng theo lý tưởng của Đảng, niềm tin tuyệt đối đó thể hiện bằng việc làm cụ thể để tấm gương nhiệt tình, cần mẫn, chuyên tâm công việc của nữ cán bộ trạm y tế đã được các cấp, ngành và nhất là đồng bào ghi nhận, đánh giá cao. Vì thế, khi đoàn cấp trên lên tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến đưa bà vào để tiến hành hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội. Bà được bầu vào đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (Khóa X) với số phiếu cao, đặc biệt khi trong đoàn chỉ có 5 đại biểu.

Vì ở vùng cao xa xôi cách trở, đường đi chưa thuận tiện nên mỗi lần đi họp Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, đối với bà Lèng đều như một dặm trường ký sự. “Đường ô tô quốc lộ 12A lúc đó đang làm, đường liên thôn bản vẫn là lối mòn nên đi lại vất vả phải di chuyển nhiều chặng. Lần đầu tiên đi 1 tháng rưỡi, sau đó là 1 tháng. Mỗi lần đi lại buồn nhớ con, cứ lo con ở nhà không có ai chăm sóc, không gọi điện thoại được vì ở xã không có điện thoại. Sau đó, mấy ông thấy tội nên gọi điện về cho Bộ đội Biên phòng ở trên đồn, nói coi con o Lèng có khỏe không rồi nói với nó chứ nó nhớ con nó khóc suốt…”, bà Lèng nhớ lại.

Kể từ khi gánh trách nhiệm là tiếng nói của đồng bào, càng không thấy bà Lèng e ngại, bỏ bê công việc, trách nhiệm của mình. Bà nói với bà con, mỗi lần đi họp Quốc hội đều thấy ý nghĩa như những ngày cõng con lội bộ từ rừng này sang rừng nọ đi giúp bà con. Càng tiếp xúc được nhiều người, biết nhiều thứ bổ ích, mở mang kiến thức bà Lèng càng góp được tiếng nói chung cho cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người Chứt ở Dân Hóa, ở Quảng Bình nói riêng.

“Đi họp miềng gặp nhiều lãnh đạo lắm. Gặp bác Nông Đức Mạnh, bác Trần Đức Lương… Mấy bác rất tốt, niềm nở, luôn hỏi thăm sức khỏe đại biểu và bà con Dân Hóa. Miềng nói thật về tình hình bà con còn vất vả, nghèo lắm nên bà con luôn được quan tâm” - bà Lèng kể.

Từ những kiến thức tiếp thu được tại nghị trường, về quê, mỗi khi họp hành bà đều nhắc nhở đồng bào rằng, trong gia đình phải đoàn kết, giữ hạnh phúc gia đình, cố gắng làm ăn cho tốt. Suốt 28 năm làm cán bộ y tế trạm, có 5 năm là Đại biểu Quốc hội, đối với bà Lèng là một dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời. Bây giờ bà Lèng vẫn sống trong căn nhà gỗ nhỏ mà bà dành dụm làm mấy chục năm trước, ngôi nhà bà luôn đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ hàng xóm…

Tin vào tương lai

Tiếp nối đại biểu Cao Thị Lèng, hình ảnh cô giáo Cao Thị Giang (Trường THCS và THPT Hóa Tiến, huyện Minh Hóa, đại biểu Quốc hội Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021) tự tin trong nghị trường Quốc hội đã khẳng định niềm tin sắt son vào Đảng, Nhà nước của đồng bào Chứt miền biên viễn.

Kỳ 4: Người Chứt bước ra nghị trường -0
Bà Lèng giới thiệu về hình ảnh của mình chụp khi đi họp Quốc hội Ảnh: QV

Sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc thiểu số với không ít khó khăn, nhưng chị Cao Thị Giang (SN 1988, ở xã Hóa Tiến) đã chăm chỉ học tập, rèn luyện và thi đỗ đại học, chuyên ngành địa lý. Học xong đại học, cô tiếp tục học lên thạc sĩ và sau đó được nhận về trường giảng dạy. Kể về việc được bầu làm đại biểu Quốc hội, cô giáo Giang nhớ lại: “Khi nhận thông tin trúng cử, tôi bất ngờ lắm. Lúc ấy rất hồi hộp, vui mừng và cũng hình dung ra những thử thách lớn cho bản thân trong thời gian tới. Phải làm sao cho xứng đáng với sự tin cậy của cử tri”.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, cô giáo Giang luôn ý thức trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội. Mặc dù bận rộn trong công tác giảng dạy, làm chủ nhiệm và công tác Đoàn, nhưng cô giáo Giang đã có nhiều cố gắng khắc phục vượt qua những khó khăn, thách thức, điều kiện xã hội và gia đình để bố trí sắp xếp công việc khoa học, hợp lý. Đầu tư công sức, trí tuệ nghiên cứu, theo sát cử tri và Nhân dân để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu Nhân dân. Đồng thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở vị trí công tác của mình.

Cô giáo Cao Thị Giang cho biết: “Là Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho tiếng nói của cử tri và Nhân dân, bản thân thực sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, đồng thời tích cực tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật cho Nhân dân. Tôi tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, tích cực nghiên cứu tham gia vào việc thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án luật cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”.

Là thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chị Giang đã tham gia đầy đủ vào các hoạt động như đi giám sát tại các tỉnh, thành phố; tham gia tích cực vào việc xây dựng báo cáo thẩm tra của Hội đồng đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, chị Giang đã chú ý lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tiếp thu nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri; đồng thời chuẩn bị nội dung có chất lượng, cung cấp đầy đủ thông tin cho cử tri vì vậy được cử tri tín nhiệm, đánh giá cao.

Trong hoạt động chuyên môn, cô giáo Giang thực hiện tốt việc đổi mới phương dạy học, giáo dục học sinh; đặc biệt là những phương pháp dạy học phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số nhờ am hiểu về phong tục, tập quán của các em. Do đó, nhiều em là người dân tộc thiểu số có kết quả đạt giỏi, khá tăng lên.

Với sự cố gắng đó, trong những năm qua, cô giáo Giang đã đạt nhiều danh hiệu, được nhiều cấp, ngành khen thưởng, động viên.

Không chỉ bà Lèng, cô Giang mà những thế hệ thanh niên người Chứt như những mầm xanh giữa đại ngàn hôm nay rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước khi được dưỡng nuôi bằng đời sống vật chất, tinh thần phong phú, dồi dào làm nên những lá chắn vững vàng nơi phên dậu Tổ quốc.

Ghi chép của Quang Vũ - Quang Nam