Vào những ngày tháng 3 “con ong đi lấy mật” núi rừng Trường Sơn đẹp như thiếu nữ đang thì xuân sắc. Con đường vào bản người Chứt vì thế cũng bớt chông chênh. Quá trình tìm hiểu tư liệu về dân tộc Chứt, chúng tôi phát hiện chi tiết thú vị và ý nghĩa đó là tại Bảo tàng Quốc hội đang lưu giữ một hòm phiếu bầu của kỳ Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - năm 1946 tại điểm bỏ phiếu xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trùng hợp nữa khi ở xã này đang có 1 bản dân tộc Chứt sinh sống.
Tự hào cùng lịch sử
Theo dòng lịch sử, Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, lật đổ chế độ quân chủ, chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3.9.1945, Chính phủ lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra, trong đó có vấn đề “tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ”.
Theo lời Bác dạy, “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Các ban bầu cử được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban Hành chính các cấp trực tiếp đảm nhiệm, tại tỉnh Quảng Bình. Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cử tri và bà con người Chứt cũng nô nức chuẩn bị cho lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân một nước độc lập, tự do; ngày hội toàn dân bầu cử lần đầu tiên được chính quyền cách mạnh tổ chức.
Theo tỷ lệ dân số, tỉnh Quảng Bình được bầu 5 đại biểu, mà ứng cử lên đến 26 người, gồm đủ các thành phần, đủ lứa tuổi, đủ chính kiến và tôn giáo, chứng tỏ thực tâm đoàn kết của Việt Minh trong sự nghiệp cứu nước và dựng nước. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí trong tỉnh càng náo nức, sôi nổi, tưng bừng, làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của tỉnh hướng đến ngày 6.1.1946.
Theo ông Đinh Bội (86 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, ngày Tổng tuyển cử năm 1946, ông đã đủ lớn để biết không khí hân hoan của nhân dân các bản làng dân tộc nơi đây, dịp đó khắp nơi tiếng trống rộn ràng như lễ hội vang núi rừng. Ông Bội xúc động, bồi hồi kể lại, lúc đó bố của ông Bội là ông Đinh Lâm được đưa vào làm “ông xeo” - chân chạy thông tin khắp làng trên tổng dưới, tuyên truyền về bầu cử Quốc hội.
Nội dung tuyên truyền mà ông Lâm phải thuộc lòng để đi vận động là “tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa” để chống đói và đẩy mạnh kháng chiến. Tiêu diệt giặc dốt, “biết chữ để cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân”; dán niêm yết công khai danh sách và tiểu sử các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Khóa I. Các làng dựng cổng chào, treo các băng khẩu hiệu “Hoan nghênh cuộc Tổng tuyển cử”; các trụ sở công cộng trang hoàng cờ hoa rực rỡ; các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại tỉnh lần lượt ra mắt cử tri ở các đơn vị bầu cử và có lời hứa thật xứng đáng là những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội, vì quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri và nhân dân.
"Mấy năm trước tôi có ra Hà Nội thăm nhà Quốc hội mới, được thấy hòm phiếu kỷ vật lịch sử của quê hương (xã Thanh Hóa, huyện Minh Hóa) được trang trọng đặt trong phòng truyền thống Quốc hội, lòng rất xúc động nhớ lại những năm tháng lịch sử tôi từng chứng kiến, tôi đã khóc" - Ông Bội nói.
Sống xứng đáng với ngày mai
Cũng bình dị như chính câu chuyện được viết lên từ chất liệu cuộc sống, trở lại câu chuyện hòm phiếu bầu cử Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 1.1946 của nhân dân xã Thanh Hóa đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc hội thì đây là một thùng phiếu đóng bằng gỗ, vuông thành sắc cạnh, có ngăn và nắp khóa; kỹ thuật đóng đơn giản, gọn gàng, giản dị, không chạm trổ nhưng tinh tế.
Đúng 7 giờ sáng ngày 6.1.1946, Tổng tuyển cử bắt đầu. Ở Quảng Bình, mọi khâu phục vụ cho bầu cử đều được chuẩn bị tổ chức chu đáo. Việc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh và an toàn, tấp nập nhất là vào khoảng từ 7 giờ - 10 giờ sáng và nhiều nơi kết thúc rất sớm. Không khí bầu cử tại mọi nơi trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức sôi nổi, hơn 95% cử tri đã đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử tưng bừng như một ngày hội lớn. Điều đó đã góp phần quan trọng làm nên thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Qua lớp bụi mờ quá khứ và bao biến thiên cuộc đời, lai lịch hòm phiếu này như thế nào và hành trình trở thành kỷ vật lịch sử, được trưng bày tại nơi danh giá ra làm sao thì gần như không ai nắm rõ, hay nói chính xác là những nhân chứng lịch sử có liên quan gần như đã không còn.
Chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang. Sau một số cuộc gọi điện tìm hiểu từ cơ sở, ông truyền đạt ngắn gọn: “Các cao niên tại xã chỉ nghe truyền lại rằng ông Hoàng Học là người đóng hòm phiếu đó”…
Từ chút dữ liệu mang tính “truyền khẩu” này, thôi thúc chúng tôi rời thị trấn huyện lỵ Đồng Lê, trực chỉ hướng mặt trời lặn, tìm đến xã Thanh Hóa. Sau gần 40km đường đèo, trụ sở UBND xã hiện ra trước mắt. Vì đã liên hệ, kết nối trước nên chỉ hội ý chớp nhoáng, đoàn cán bộ xã dẫn nhóm phóng viên đến nhà bà Nguyễn Thị Liệu (nay đã 95 tuổi), được xem là một trong những người già nhất xã, tham gia cách mạng sớm và hiện còn rất minh mẫn. Bà vừa được trao danh hiệu 75 năm tuổi Đảng. Tuy nhiên, trong ký ức của bà cũng chỉ có không khí bầu cử ngày ấy, địa điểm bầu cử, ai làm ban bầu cử. Như thế, cán bộ, Nhân dân địa phương cũng không còn ai biết gì hơn…
Hành trình “trả lại tên” cho một kỷ vật lịch sử tưởng như rơi vào bế tắc...