Quán triệt kịp thời, đổi mới phương pháp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 ra đời cùng với Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo hành lang pháp lý rất cơ bản để hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Trong đó, Luật Hoạt động giám sát được ban hành đã bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát… Đặc biệt, đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là: "giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước".
Sau khi Luật Hoạt động giám sát được ban hành và có hiệu lực, trên cơ sở các nội dung quy định, gắn với việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HÐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nghiêm túc, đầy đủ nội dung luật và các văn bản liên quan khác đến các cấp, các ngành, nhất là các đại biểu HÐND bằng nhiều hình thức. Ngày 27.4.2022, Thường trực HÐND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 06/QĐ-HĐND về ban hành quy trình giải quyết những vấn đề UBND tỉnh xin ý kiến và các quy trình giám sát chuyên đề của HÐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh.
Ngay sau khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát được ban hành, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm với chủ đề "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" để trao đổi, thảo luận các vấn đề mới, mang tính định hướng nhằm nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Thường trực HÐND các cấp; thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm với thường trực HĐND các huyện, thành phố để chia sẻ những nội dung chuyên môn, riêng biệt trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp, cách làm như: tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu kỹ hồ sơ báo cáo trước khi làm việc với đơn vị chịu sự giám sát; tăng cường giám sát bằng hình ảnh… - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành chia sẻ.
Đề xuất giám sát giúp công tác quản lý được tốt hơn
Với Bắc Giang, 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên triển khai thực hiện Luật nhưng đã cho thấy sự vào cuộc rất chủ động, tích cực; bám sát các quy định của Luật để thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát với những con số rất cụ thể không phải địa phương nào cũng làm được. Bước sang nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động giám sát được thực hiện bài bản, nhuần nhuyễn với nhiều cách làm mới sáng tạo đem lại hiệu quả rất thiết thực, tiếp tục khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực thi Hiến pháp và pháp luật, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND các cấp ngày càng được đổi mới, chất lượng, hiệu quả và đi vào thực chất hơn. Trong suốt quá trình diễn ra hoạt động chất vấn đã phát huy được tính dân chủ, nhất là trong tranh luận, giải trình. Việc xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề của HĐND; báo cáo trước kỳ họp về kết quả giám sát bằng hình ảnh được quan tâm thực hiện giúp cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát được nâng lên.
HĐND các cấp đã tổ chức thực hiện 567 cuộc giám sát chuyên đề (HĐND tỉnh 11 cuộc; HĐND cấp huyện 40 cuộc; HĐND cấp xã 516 cuộc). Đối với cấp tỉnh, báo cáo kết quả giám sát được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh và trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát. Tại kỳ họp giữa năm 2023, bên cạnh gửi báo cáo kết quả giám sát cho đại biểu HĐND tỉnh, điểm mới là HĐND tỉnh Bắc Giang đã xem xét báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022 thông qua phóng sự hình ảnh ghi nhận thực tế kết quả giám sát.
Hoạt động giải trình, chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND các cấp (nhất là cấp tỉnh) được chuẩn bị chu đáo, tập trung những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Điều hành linh hoạt, mềm dẻo, kinh nghiệm của chủ trì phiên giải trình, chất vấn giúp nhận diện vấn đề sâu sắc, làm sáng tỏ nhiều nội dung, kiến nghị chỉ rõ trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND các cấp đã tổ chức 2.338 cuộc giám sát chuyên đề với nhiều đổi mới.Đoàn giám sát của Thường trực HĐND luôn chú trọng khảo sát thực tế tại cơ sở, thu thập đầy đủ các tài liệuđể đối chiếu với báo cáo của đơn vị được giám sát, so sánh với các quy định hiện hành của Nhà nước, nghị quyết của HĐND để rút ra được những kết luận đúng, đề xuất, kiến nghị hợp lý, khả thi.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: các đơn vị chịu sự giám sát đã chấp hành nghiêm túc và có các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại mà các đoàn giám sát đã chỉ ra. Về cơ bản, đã từng bước khắc phục tư tưởng không muốn để HÐND giám sát đối với lĩnh vực chuyên môn do ngành hoặc địa phương quản lý, thậm chí còn đề xuất với HÐND giám sát để giúp cho công tác quản lý được tốt hơn.