Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được tại Phiên giải trình lần thứ 6 của Thường trực HĐND tỉnh với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”.
Công nghệ xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng yêu cầu
Tại phiên giải trình, các đại biểu HĐND tỉnh và ngành chức năng đã trả lời, giải trình khá đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Theo đánh giá,công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tuy được quan tâm thực hiện, nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc và chưa thật sự bền vững. Hiện nay, tỉnh có các điểm xử lý rác gồm Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, Nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng, Lò đốt rác huyện Tân Hưng và Lò đốt rác thị xã Kiến Tường chưa đáp ứng về khả năng xử lý rác thải sinh hoạt, chỉ xử lý được khoảng 475 tấn/ngày trên tổng số 800 tấn/ngày, nên việc xử lý lượng rác còn lại phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nhà máy xử lý rác tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường: Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và Lò đốt rác huyện Tân Hưng, Lò đốt rác thị xã Kiến Tường chỉ đốt gia nhiệt nên khí thải phát sinh không được xử lý triệt để, lượng tro xỉ phát sinh trong quá trình đốt nhiều nên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, tiến độ đầu tư xây dựng 5 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch còn chậm; việc kêu gọi, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế về quy mô và hiệu quả; tỷ lệ lập bộ đạt thấp, khó bảo đảm đạt chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 75% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; hàng năm ngân sách phải cấp bù cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt khoảng 100 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền về phân loại rác, lập bộ, đóng phí thu gom hiệu quả chưa cao.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu xử lý rác theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý, giảm chi phí đầu tư và xử lý, thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh sẽ chỉ đạo chuyển đổi công nghệ đốt rác thông thường sang đốt rác phát điện tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Thạnh Hóa; tiếp nhận thêm Nhà máy xử lý rác cạnh Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa; tiếp nhận nhà máy xử lý rác trên địa bàn huyện Đức Hòa; tiếp nhận nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đức Huệ. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai để tiếp tục kêu gọi đầu tư Khu xử lý rác của Công ty công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, với diện tích 200ha theo quy hoạch.
“Tỉnh sẽ nghiên cứu, có cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn; đồng thời, kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét ưu tiên đưa chỉ tiêu công suất các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch mạng lưới điện quốc gia“ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được ghi nhận các kết quả đạt được trong công tác xử lý chất thải rắn thời gian qua trên địa bàn. Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của tỉnh là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường; ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó có việc xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, tâm huyết để đầu tư các khu xử lý rác theo quy hoạch với công suất lớn, công nghệ hiện đại, trong đó chú trọng công nghệ đốt rác phát điện; quan tâm đầu tư trang thiết bị thu gom, xử lý để bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu với thực hiện phân loại tại nguồn; thực hiện cơ chế tài chính tăng trách nhiệm, tính tự chủ của địa phương trong lập bộ, thu phí. Theo đó, cần nghiên cứu thêm phương án tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về chi phí xử lý rác tại các nhà máy xử lý, còn lại cấp huyện sẽ chịu chi phí thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác.
Xác định công tác bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm chung, không chỉ có ngành tài nguyên môi trường, người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bảo vệ môi trường bền vững.