Xem xét khoa học quan điểm "giải quyết xong kiến nghị"
Mặc dù, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã đạt những kết quả tích cực nhưng cũng còn một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, nổi lên là: nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến từ nhiều kỳ họp chưa được giải quyết dứt điểm; một số nội dung kiến nghị nhiều lần, kéo dài qua nhiều kỳ họp và đã cam kết lộ trình giải quyết nhưng tiến độ giải quyết còn chậm; công tác kiểm tra, đôn đốc của UBND tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao chủ trì giải quyết đối với một số kiến nghị chưa thường xuyên, quyết liệt; việc đăng tải, niêm yết công khai nội dung trả lời kiến nghị cử tri và tuyên truyền, thông tin kết quả giải quyết chưa được thường xuyên, kịp thời...
Nguyên nhân của tình trạng trên do có nhiều kiến nghị liên quan đến nguồn lực, kinh phí; một số kiến nghị để thực hiện được thì cần sửa đổi các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương, cần có thời gian thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật… Mặt khác, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khi việc xem xét giải quyết chỉ thực hiện trong thời gian ngắn (giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh) nên kết quả còn hạn chế. Nhất là với những cơ quan được phân công giải quyết nhiều kiến nghị và nội dung cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan.
Trong giải quyết kiến nghị cử tri, nội hàm "giải quyết xong kiến nghị” cũng là vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần xem xét một cách khoa học. Ví dụ, kiến nghị về đầu tư xây dựng một công trình trường học thì cần có thời gian, trình tự thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, bố trí vốn... đến khi khởi công xây dựng và hoàn thành. Với kiến nghị trên, sẽ có 2 quan điểm "giải quyết xong kiến nghị" ở 2 góc nhìn: một quan điểm cho rằng, công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư thì coi như đã giải quyết xong kiến nghị của cử tri; quan điểm thứ 2 cho rằng, khi nào công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng mới được coi là giải quyết xong. Do đó, việc phân định nội dung kiến nghị ở các mức giải quyết xong, chưa xong (đang giải quyết) hoặc thông tin, giải thích tới cử tri vẫn là vấn đề phải bàn luận. Đây có lẽ không chỉ là riêng vấn đề của Quảng Ninh mà cần có sự thống nhất chỉ đạo từ Trung ương, để các địa phương có cơ sở xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri một cách khách quan, thấu đáo.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy, tăng cường, gắn trách nhiệm người đứng đầu đối với kết quả giải quyết kiến nghị là hết sức quan trọng để giảm thiểu việc tồn đọng, tránh trở thành điểm "nóng", gây bức xúc trong cử tri, nhân dân. Đối với những kiến nghị chưa thể giải quyết được do cơ chế, chính sách, nguồn lực cần thông tin, giải thích kịp thời.
Cùng với đó, đại biểu HĐND cần tích cực nghiên cứu nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh để tuyên truyền, vận động và giải thích, trả lời kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Thông tin kịp thời kết quả giải quyết kiến nghị tới cấp ủy, chính quyền và cử tri nơi có kiến nghị. Đồng thời, sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để thông tin, xử lý kịp thời tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động tại địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, Trung ương chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ hỗ trợ giải quyết kiến nghị cử tri thống nhất trong toàn quốc, giúp cho công tác theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri các cấp liên thông, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.