Tập trung giám sát các lĩnh vực "nóng"
Mở đầu chuyên đề “Kỹ năng quyết định và giám sát của HĐND trong lĩnh vực đất đai”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam - báo cáo viên khẳng định, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai là một lĩnh vực rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Trong đó, có những quy định mang tính đổi mới, đột phá dựa trên tổng kết, đánh giá, thí điểm từ thực tiễn; tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới…
Thông qua bài giảng, báo cáo viên đã giúp các đại biểu hiểu cặn kẽ về những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, như: đổi mới trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phân cấp, phân quyền; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; điều tra cơ bản; đất không có giấy tờ sử dụng trước ngày 1.7.2014 được cấp sổ đỏ; bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…
Theo đó, tất cả các khâu của công tác quản lý nhà nước về đất đai, như: sử dụng đất; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai... đều phải có sự giám sát của HĐND các cấp. Nếu không giám sát chặt chẽ bất cứ một khâu nào đấy chắc chắn sẽ dẫn tới sai phạm.
Để hoạt động giám sát lĩnh vực này đạt hiệu quả, chất lượng, HĐND cần tập trung giám sát những nội dung chủ yếu, như: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; các dự án tạo quỹ đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn…
Cần phối hợp liên ngành, liên vùng trong giám sát
Với chuyên đề "Kỹ năng giám sát của HĐND trong đầu tư công" do nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trình bày đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về khái niệm đầu tư công và đối tượng đầu tư công; phân loại dự án đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án (quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C), quy định tại Điều 7, 8, 9, 10 Luật Đầu tư công; chi phí đầu tư và kết quả đầu tư; nguồn vốn đầu tư công ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Đối với yêu cầu giám sát hoạt động đầu tư công, báo cáo viên nhấn mạnh, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng phải được tổ chức chặt chẽ với sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội và cùng đồng thời hoạt động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong tham gia quá trình giám sát và đánh giá.
Quá trình giám sát và đánh giá cần tổ chức việc lấy ý kiến của người dân; thực hiện quy chế giám sát cộng đồng để đưa ra những kết luận và những khuyến nghị thỏa đáng. Đồng thời, nắm vững các thông tin về những đối tượng (dự án, công trình, chương trình) dự định chọn giám sát. Các thông tin đó sẽ được các cơ quan quản lý như chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, các cơ quan tư vấn thiết kế, giám sát công trình... cung cấp đầy đủ trong quá trình giám sát.
Về nội dung giám sát đầu tư công, cần tập trung vào việc giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ở địa phương. Trong đó, giám sát quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm được HĐND thông qua; giám sát chi phí tài chính, thanh quyết toán trong quá trình thực hiện dự án; đánh giá dựa vào kết quả đầu ra của dự án; bao gồm đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính; sức lan tỏa và mối tác động của dự án đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển của vùng, của ngành; kết quả về xã hội.
Từ đó, đối chiếu nội dung và kết quả thực hiện đầu tư với quyết định ban đầu để thấy rõ những sai lệch, điều chỉnh các yếu tố của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư; giám sát việc thực hiện các cơ chế chính sách và giải pháp đã được HĐND thông qua; tác động việc thực hiện các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đến chất lượng và hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, báo cáo viên cũng đã chỉ ra một số sai sót thường gặp trong hoạt động đầu tư công, như: phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các công trình sai, có nhiều công trình chưa đủ thủ tục. Trong đó, nhiều dự án nhóm A đã thực hiện quá 30% tổng mức đầu tư nhưng chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán; không tập trung cho công trình trọng điểm đã được HĐND thông qua; danh mục đầu tư dàn đều; chưa chấp hành đầy đủ quy định việc bố trí vốn cho các dự án; nợ khối lượng xây dựng cơ bản; không chấp hành đầy đủ các quy chế, quy phạm và pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản… Trước thực trạng trên, HĐND cần tổ chức giám sát chặt chẽ việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho từng dự án đầu tư. Các cơ quan kế hoạch và các cơ quan tham mưu khác của tỉnh, thành phải thuyết minh rõ ràng các căn cứ bố trí nguồn vốn cho từng dự án...