Đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri, Nhân dân

- Chủ Nhật, 02/06/2024, 07:19 - Chia sẻ

Trần Đình Huề - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

35 năm tái lập tỉnh Quảng Bình, cũng ngần ấy thời gian luật pháp liên quan có nhiều đổi mới. Điều đó tạo cơ sở pháp lý để tổ chức và bộ máy của HĐND được củng cố, phát triển mạnh mẽ, tiền đề để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân địa phương.

Thực tế 13 năm sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên đã nảy sinh nhiều bất cập trong quản lý, chỉ đạo, điều hành quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh, ngày 9.4.1989, HĐND tỉnh Bình Trị Thiên đã kiến nghị lên Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng xin tách tỉnh Bình Trị Thiên để thành lập ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 30.6.1989, Quốc hội thông qua Nghị quyết phân chia địa giới hành chính tỉnh Bình Trị Thiên. Ngay sau đó, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 87/HĐBT ngày 1.7.1989 xác định rõ: Quảng Bình là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Nhiệm kỳ đầu tiên có Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban chuyên trách

Ngày 9.7.1989, tại Đồng Hới, HĐND tỉnh Quảng Bình tiến hành Kỳ họp thứ Nhất với đầy đủ 28 đại biểu HĐND trên địa bàn. HĐND bầu Chủ tịch UBND, 2 Phó Chủ tịch UBND, thành lập 4 Ban HĐND; lúc này theo quy định của luật chưa có Thường trực HĐND. Mặc dù mới tách tỉnh nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, giúp đỡ của Trung ương, đồng lòng của người dân, HĐND nhanh chóng ổn định tổ chức, củng cố, tăng cường các cơ quan để hoạt động, tập trung khắc phục những khó khăn xây dựng phát triển quê hương.

Từ khi tái lập tỉnh, rất trùng hợp Quốc hội và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật pháp liên quan đến cơ quan dân cử địa phương. Ngày 30.6.1989, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi). Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng tăng cường tổ chức, bộ máy cơ quan HĐND đáp ứng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được pháp luật trao cho. Ngày 19.11.1989, cùng với cả nước, cử tri Quảng Bình tiến hành bầu cử đại biểu HĐND ba cấp nhiệm kỳ 1989 - 1994, cấp tỉnh bầu đủ 60 đại biểu HĐND theo quy định. Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND bầu Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND và bầu các Ban của HĐND trong số đại biểu HĐND; đồng thời, bầu Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch UBND và nhiều ủy viên UBND.

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Bình Khoá XVIII

Nhiệm kỳ 1994 - 1999, thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi), số đại biểu HĐND tỉnh rút gọn chỉ còn 45 người. Bên cạnh đó, đại biểu chuyên trách được tăng cường, nhiều Ban HĐND tỉnh dần bố trí được Trưởng hoặc Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách. Nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh Quảng Bình đã đi đầu thành lập Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH để tham mưu, phục vụ hoạt động HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh. Nhiệm kỳ 1999 - 2004, vẫn thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành. Số lượng đại biểu không thay đổi, nhưng yêu cầu tăng cường chất lượng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động ở cơ quan dân cử trên cơ sở cơ cấu hợp lý. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên cả 3 Ban của HĐND tỉnh có Trưởng hoặc Phó Trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, có những cấp ủy Đảng cùng cấp đảm nhận Trưởng Ban chuyên trách của HĐND.

Không ngừng nâng cao vị trí cơ quan dân cử địa phương

Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) năm 2003, nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh bầu 50 đại biểu, đủ tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định. Lần này quy định mới không những tăng số lượng đại biểu mà HĐND 3 cấp đều có Thường trực HĐND, ở tỉnh có 3 đại biểu. Như vậy, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tăng lên đáng kể, bảo đảm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Gần cuối nhiệm kỳ, theo quyết định của Quốc hội, nhiệm kỳ của HĐND kéo dài thêm 2 năm và rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội 1 năm để tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cùng một ngày vào tháng 5.2011. Do vậy, nhiều đại biểu HĐND công tác ở cơ quan Nhà nước nghỉ hưu trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng với trách nhiệm đại biểu dân cử, mọi hoạt động của HĐND vẫn bảo đảm thông suốt. Nhiệm kỳ 2011 - 2016 vẫn thực hiện luật hiện hành, nhưng kết quả bầu cử trình độ đại biểu được nâng lên rõ rệt, năng lực, uy tín rất bảo đảm. Trong nhiệm kỳ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh đều có trình độ tiến sĩ, tiền đề quan trọng để nâng cao hơn nữa hoạt động của HĐND.

  Năm 2015, Quốc hội sửa đổi cơ bản Luật Tổ chức HĐND và UBND và đổi tên thành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, để chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND tháng 5.2016. Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều điều khoản mới được bổ sung sửa đổi càng nâng cao vị trí, vai trò của HĐND và những nội dung cốt yếu được thực hiện cho đến nay. Đặc biệt, luật quy định tăng số lượng Thường trực HĐND, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; tăng Phó Chủ tịch HĐND và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh. Cũng năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND càng tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và vị thế của HĐND. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng và các chức danh Thường trực HĐND và UBND tỉnh cơ bản không thay đổi. Qua đó cho thấy so với trước năm 2016, cơ quan HĐND lại được củng cố tổ chức. Tăng cường bộ máy các cơ quan HĐND, đại biểu hoạt động chuyên trách tăng 3 - 4 lần, bảo đảm trình độ, năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

35 năm tái lập tỉnh - 7 nhiệm kỳ HĐND, với sự phát triển của đất nước và thay đổi rất lớn của pháp luật, đó là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để HĐND đổi mới, phát triển đưa hoạt động của HĐND ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Điều đó có ý nghĩa to lớn phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

#