Theo ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa),Điều 8, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này được luật hóa từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Như vậy, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt.Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá lại, đánh giá tác động việc thực hiện nghị định này trong thời gian qua, bởi quy định này có ảnh hưởng, tác động xã hội rất lớn. Đại biểu Xuân cho rằng, nên quy định các hành vi cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo “tỷ lệ” cụ thể nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo ông Hùng, qua quá trình thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể 2 luồng ý kiến đó là: thứ nhất, dự án luật quy định như Nghị định số 100/2019/NĐ- CP là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình; thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng chia sẻ thêm, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu, bia có 25 nước quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
Liên quan đến quy định về cấp giấy phép lái xe ô tô “có thời hạn”, các ĐBQH cho rằng, quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi, việc cấp, đổi giấy phép lái xe hiện chỉ mang tính “hình thức”, mà không phải cập nhật kiến thức hay phải sát hạch, nâng hạng, kiểm tra tay lái. Việc này khiến người dân mất công làm thủ tục đổi, mất thời gian, chi phí. Chưa kể, nếu người dân trong quá trình tham gia giao thông mà không mắc phải lỗi gì, có thể cũng không biết khi nào giấy phép lái xe của mình đã hết hạn để đi cấp, đổi. Có trường hợp lúc phát hiện giấy phép lái xe hết hạn thì đã quá 2 năm. Điều này gây rất nhiều phiền hà cho người dân. Theo đó, ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định “thời hạn” cho giấy phép lái xe.
Đối với quy định về các hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, cần quy định những hành vi bị cấm mang tính khái quát để trong thực tiễn nếu phát sinh những hành vi mới thì vẫn có thể dựa trên các nguyên tắc chung, các quy định khái quát để xử lý. Bên cạnh đó, nên bổ sung hành vi cấm của lực lượng chức năng. Bởi, hiện nay nhiều cử tri rất quan tâm, phản ánh hành vi nhận tiền hối lộ, mãi lộ, can thiệp vào xử lý vi phạm giao thông;… của lực lượng chức năng; thậm chí, hành vi tấn công cảnh sát giao thông, tấn công người thi hành công vụ cũng cần được quy định rõ để xử lý.