Tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có 431 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 89 đơn vị so với năm 2015; giảm 113 đơn vị so với năm 2017; giảm 13 đơn vị so với năm 2021. Trong đó, có 360 đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; 43 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 24 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 4 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư. Trong 431 đơn vị sự nghiệp, có 1 đơn vị thành lập mới là Bệnh viện tâm thần tỉnh Kon Tum trực thuộc Sở Y tế nhằm cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Việc sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập được sự đồng thuận cao của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giảm 1.006 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau sắp xếp, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đi vào nền nếp, ít có xáo trộn; tâm tư của cán bộ, đảng viên ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Song song với sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã thực hiện nghiêm số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp đúng số lượng được Bộ Nội vụ giao. Công tác tuyển dụng đầu vào được thực hiện nghiêm túc nên không có tình trạng viên chức không đạt chuẩn vị trí việc làm theo quy định. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng được nâng lên.
Với nguồn nhân lực chất lượng nên mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, khả năng thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế nhưng các đơn vị sự nghiệp đã cung cấp hầu hết các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân và toàn xã hội. Mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động ở các lĩnh vực đã phủ kín hầu hết ở các địa bàn và đã vươn đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn, khu vực biên giới. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng với chi phí hợp lý phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân trên địa bàn.
Cần chế độ đặc thù để phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị sự nghiệp ở các huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ như: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H'Drai của tỉnh Kon Tum đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện xã hội hóa do thu nhập của người dân còn thấp; nguồn thu từ dịch vụ rất thấp và không bảo đảm hoạt động; hầu hết các đơn vị chưa có khả năng để chuyển đổi cơ chế tài chính... Riêng đối với các đơn vị trường học, khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ quản lý tăng gấp đôi, thời gian dự giờ thăm lớp, quản lý các hoạt động ở các điểm trường giảm. Có điểm trường nhập lại từ 7 thôn, mỗi điểm thôn cách nhau từ 4 - 5km đã gây khó khăn cho việc đi lại, học tập của học sinh. Phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông thẳng thắn: "4 cây số ở đồng bằng thì đi được bằng xe đạp, còn ở huyện Tu Mơ Rông chỉ có đi bộ, vì hầu hết là đường dốc".
Tất cả các huyện miền núi nghèo đều có địa hình cách trở, địa bàn rộng, kết cấu hạ tầng còn kém, giao thông đi lại khó khăn, do đó chi phí hoạt động của các đơn vị cho một nhiệm vụ thường lớn hơn các tỉnh, huyện ở miền xuôi. Đã thu ít nhưng chi nhiều nên ảnh hưởng đến nguồn kinh phí tiết kiệm hằng năm. Những năm qua, các đơn vị sự nghiệp không có môi trường, điều kiện mở rộng và phát triển nguồn thu để đáp ứng đủ chi phí, duy trì các hoạt động dẫn đến tỷ lệ đơn vị sự nghiệp chuyển đổi loại hình giao quyền tự chủ ở mức tự chủ cao hơn tại địa phương khó thành hiện thực. Mặt khác, các đơn vị sự nghiệp công ở các huyện miền núi được thành lập chỉ nhằm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu cho người dân nơi đây.
Để giúp các huyện miền núi nghèo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) "về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho các đơn vị sự nghiệp ở các huyện này.