Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ban hành chính sách hỗ trợ việc dạy và học ngành công nghiệp bán dẫn

- Thứ Hai, 01/07/2024, 07:14 - Chia sẻ

Tại kỳ họp, 100% đại biểu thông qua Nghị quyết về việc Quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2030 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 15.7.2024. 

Địa phương đầu tiên có chính sách hỗ trợ đào tạo ngành bán dẫn 

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc Quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024 - 2030.

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ nhà giáo có trình độ sau đại học được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm với giáo sư: nam 200 triệu đồng, nữ 220 triệu đồng; phó giáo sư: nam 140 triệu đồng, nữ 160 triệu đồng; tiến sĩ: nam 100 triệu đồng, nữ 120 triệu đồng; thạc sĩ (ngành công nghiệp bán dẫn): nam 80 triệu đồng, nữ 100 triệu đồng.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng; nếu các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn, để học chuyển đổi, bồi dưỡng nâng cao thuộc chuyên ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học, học viện trong nước và nước ngoài tổ chức.

Đối với người học nghề, tỉnh hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Mức chi hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn từ 1.640.000 đồng/tháng/người đến 2.940.000/tháng/người tùy theo bậc học và năm học khác nhau.

Bắc Ninh cũng hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo. Mức chi hỗ trợ người lao động đã tốt nghiệp từ trình độ trung cấp trở lên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để học bổ sung các module, môn học thuộc ngành công nghiệp bán dẫn tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao liên quan đến công nghiệp bán dẫn cho người lao động, chi theo thực tế, tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ học nghề là thời gian thực học của chương trình đào tạo từ năm học 2024 - 2025 đến hết năm học 2029 - 2030, nhưng không quá 50 tháng đối với trình độ đại học, không quá 30 tháng đối với đào tạo trình độ cao đẳng, không quá 20 tháng đối với đào tạo trình độ trung cấp, không quá 6 tháng với đào tạo chuyển đổi sang nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo và dưới 3 tháng đối với đào tạo lại, đào tạo nâng cao tại doanh nghiệp.

Thu hút nguồn lực, đón đầu xu hướng

Các đại biểu cho rằng, với mức hỗ trợ hấp dẫn cho các giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của tỉnh trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Phát huy lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý, có môi trường đầu tư thông thoáng, Bắc Ninh luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI). Nhiều doanh nghiệp với lĩnh vực kinh doanh mới như công nghiệp bán dẫn đã mở rộng thị trường, đầu tư vào Bắc Ninh.

Đơn cử như Tập đoàn Amkor Technology - Tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và kỹ thuật đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C đã đi vào hoạt động tháng 10.2023 với tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD. Tập đoàn cam kết đến năm 2035 sẽ nâng quy mô đầu tư lên số vốn 1,6 tỷ USD.

Hiện nay, nhà máy dự kiến tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trước đó, từ năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam chính thức được thành lập tại Bắc Ninh. Sau 15 năm, đến nay, Samsung đã có thêm 2 nhà máy mới và tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại Bắc Ninh khoảng 10 tỷ USD.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh, các doanh nghiệp công nghệ đăng ký đầu tư vào tỉnh tăng mạnh và tiếp tục mở rộng quy mô kéo theo nhiều doanh nghiệp phát triển phụ trợ. Nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng cao ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu cấp thiết, cần có những chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, Nghị quyết vừa được thông qua là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, người lao động tham gia học nghề ở trình độ cấp học cao hơn, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần nâng cao năng suất lao động, phục vụ nền công nghiệp công nghệ số theo đúng định hướng phát triển của Bắc Ninh.

Phương Hoa
#