Đại biểu HĐND ở đâu khi xảy ra các vụ việc sai phạm ở cơ sở?

Bài cuối: Thúc đẩy quyết tâm hành động và đổi mới

- Thứ Sáu, 24/06/2022, 05:47 - Chia sẻ

Cùng với trao cho HĐND chế tài giám sát rõ ràng để bảo đảm thực thi các kiến nghị sau giám sát, cần quan tâm nhóm giải pháp buộc các đại biểu HĐND được dân bầu luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, khắc phục những hạn chế, yếu kém, không vô cảm trước công việc. Trong đó, có việc ban hành quy định pháp luật giao Mặt trận Tổ quốc chủ trì tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu ứng cử tại địa bàn về việc thực hiện lời hứa và quy định bầu bổ sung đại biểu thay thế giữa nhiệm kỳ theo một tỷ lệ nhất định khi cần thiết. Mục đích nhằm làm cho HĐND luôn gắn bó mật thiết với cử tri, quyết tâm hành động và đổi mới.

Trao cho HĐND chế tài giám sát rõ ràng

Có những sai phạm đã được cảnh báo qua giám sát của HĐND, thế nhưng đáng tiếc chỉ dừng lại ở kiến nghị trên giấy. Thực tế, không ít kiến nghị sau giám sát chuyên đề của cơ quan dân cử sau một thời gian đã bị lãng quên. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã quy định những bảo đảm để thực hiện kiến nghị sau giám sát, tuy nhiên về chế tài, biện pháp xử lý đối với việc chưa chấp hành kết luận giám sát lại chưa được quy định rõ. Đó cũng chính là trăn trở của nhiều địa phương lâu nay.

Bài cuối: Thúc đẩy quyết tâm hành động và đổi mới -0
Trao chế tài giám sát rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho đại biểu dân cử thực hiện tốt trọng trách cử tri tin tưởng giao cho. Ảnh: Bình Nguyên

Trên thực tế, mặc dù đã được kiến nghị qua rất nhiều hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND nhưng quy định về bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND còn chung chung, chưa rõ ràng, nhất là quy định về chế tài. Cụ thể, Luật chỉ quy định Nghị quyết về giám sát của HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện, còn nếu đơn vị được giám sát không thực hiện thì chế tài, hướng xử lý như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Đây là một nguyên nhân dẫn đến còn nhiều kiến nghị qua giám sát chưa được thực thi. (Thống kê các đoàn giám sát của HĐND cấp tỉnh năm 2021 của Ban Công tác đại biểu cho thấy, tỷ lệ các kiến nghị sau giám sát của HĐND được thực thi là 4.563/7032, chiếm 64,89%).

Theo đó, Luật chỉ ra rằng: Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nếu bàn về xử lý theo thẩm quyền, HĐND chỉ có thẩm quyền kiến nghị, đôn đốc, giám sát, có thêm thẩm quyền kiểm tra; còn việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thì Luật không quy định hay có hướng dẫn rõ ràng là cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào, bởi hầu hết đối tượng được giám sát lại là những cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Rất trăn trở vấn đề này, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh: Cần có quy định của pháp luật về tính hợp pháp và hiệu lực của các quyết nghị hay kết luận giám sát của các cơ quan thuộc HĐND trong việc thi hành pháp luật ở địa phương, khi vấn đề đã có đủ cơ sở pháp lý và được HĐND quyết nghị bằng nghị quyết thì hiển nhiên cơ quan thi hành pháp luật phải thực thi chứ không đưa vào ngăn “tài liệu tham khảo”. Trên thực tế, có nhiều vấn đề HĐND đã giám sát kết luận và đưa ra thảo luận, ban hành hoặc ghi vào nghị quyết nhưng không được thực hiện triệt để, gây hậu quả kinh tế - xã hội và xói mòn lòng tin của Nhân dân.

Cũng trăn trở về vấn đề này, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hoan bày tỏ: Chỉ khi nào cơ quan dân cử có thẩm quyền nhất định cụ thể trong việc xử lý các trường hợp chậm hoặc không chấp hành kiến nghị giám sát thì khi đó chất lượng của hoạt động này mới được bảo đảm thực sự. Phó Chủ tịch HĐND phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, ông Phan Đình Thắng cũng cho rằng: Cần lượng hóa quy định “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” tại Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Sớm được hướng dẫn thi hành

Trường hợp chưa sửa ngay được Luật, theo ý kiến của nhiều đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét ban hành văn bản hướng dẫn về căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp pháp lý thuộc thẩm quyền của HĐND, quy định trách nhiệm và các biện pháp chế tài cụ thể tương ứng với mức độ sai phạm của đối tượng. Và trong khi chờ đợi chế tài cụ thể, thiết nghĩ HĐND, Thường trực, các ban của HĐND cần tăng cường giám sát lại việc thực thi các kiến nghị, kết luận giám sát. Đối với những kiến nghị đã đến thời hạn giải quyết mà chưa được thực hiện, phải gửi văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu báo cáo; cần thiết đưa thành nội dung giải trình, chất vấn tại các kỳ họp HĐND, phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực, phải luôn tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy trong chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ thông qua kênh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng từ cơ sở, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao Ban Công tác đại biểu nghiên cứu xây dựng dự thảo về Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của HĐND. Trong đó, nội dung Ban Công tác đại biểu luôn trăn trở là đề xuất những giải pháp, quy định về chế tài sau giám sát, vì đây thực sự là công cụ hữu hiệu để HĐND sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của mình.

Phát biểu tại các Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các đề án nhằm hướng dẫn hoạt động giám sát, cũng như tăng cường trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động HĐND các cấp. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần giúp hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Luôn gắn bó mật thiết, hành động và đổi mới

Và cuối cùng, đó chính là phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu. Trong di sản và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân là biểu tượng cao đẹp nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. Theo Người: “Dân là gốc”, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”… Thấm nhuần tư tưởng đó, mỗi đại biểu dân cử phải luôn gần gũi, thấu hiểu, có dũng khí, trách nhiệm đến cùng, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, cũng chính là phát huy vai trò làm chủ, tinh thần sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; góp phần quan trọng cụ thể hóa thể chế nhà nước dân chủ cộng hòa ở nước ta.

Có đại biểu trăn trở: “Làm đại biểu HĐND có vẻ dễ quá, đến kỳ đi họp, TXCT ai nói gì mặc kệ, chẳng chất vấn, không thảo luận vậy nên lãnh đạo ngành, địa phương cùng nhau vào làm đại biểu HĐND để “đánh bóng” cho mình. Những người như thế làm cho hoạt động của HĐND có nơi, có lúc còn nhạt nhẽo, hình thức và họ cũng chẳng tôn trọng… chính mình, bởi lời hứa của họ trước cử tri khi vận động ứng cử là…. hứa hão”.

Trăn trở đó có lẽ cũng không sai, vì hiện nay chúng ta đang thiếu quy định mang tính chế tài để ràng buộc trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri. Mặc dù đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, tuy nhiên hiện nay trình tự thủ tục để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại các hội nghị tổng hết hoạt động của HĐND năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và các hội nghị Thường trực HĐND khu vực 6 tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị việc hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục, điều kiện bãi nhiệm đại biểu khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân theo quy định tại điều 102, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; sớm ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế ràng buộc giữa đại biểu với cử tri, cũng như phương thức để HĐND và cử tri đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đại biểu HĐND.

Theo Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng: Để các đại biểu HĐND được dân bầu ra luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, khắc phục những hạn chế, yếu kém, không vô cảm trước công việc, ngoài các điều kiện bảo đảm cho hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành quy định pháp luật giao Mặt trận Tổ quốc chủ trì tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu ứng cử tại địa bàn về việc thực hiện lời hứa và quy định bầu bổ sung đại biểu thay thế giữa nhiệm kỳ theo một tỷ lệ nhất định khi cần thiết. Mục đích nhằm làm cho HĐND luôn gắn bó mật thiết với cử tri, luôn quyết tâm hành động và đổi mới để góp phần tạo chuyển biến đồng bộ trong xây dựng nhà nước, phòng chống tham nhũng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đây cũng là câu chuyện được bàn đến ở nhiều nhiệm kỳ qua cần sớm được nghiên cứu, luật hóa.

PHƯƠNG NGUYÊN - BÌNH NGUYÊN