Tạo cho cử tri có nhiều cơ hội lựa chọn
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi còn một số hạn chế: một số đại biểu chưa tích cực tham gia thảo luận, phát biểu tại các kỳ họp; chưa dành thời gian nghiên cứu chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri hiệu quả chưa cao; một số đại biểu còn nể nang, ngại va chạm, chưa thể hiện quan điểm, chính kiến; một số đại biểu HĐND mới tham gia lần đầu còn thiếu kỹ năng giám sát, chất vấn, TXCT, trả lời ý kiến của cử tri. Phần lớn đại biểu kiêm nhiệm, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND, một số đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn lúng túng trong thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Việc duy trì các hoạt động họp Tổ đại biểu HĐND tỉnh còn chưa được thường xuyên; chất lượng họp Tổ đại biểu trước, trong kỳ họp chưa cao; việc thực hiện chức năng giám sát của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND còn hạn chế, chưa thường xuyên. Nguyên nhân docác thành viên của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đều hoạt động kiêm nhiệm, tính chất công việc và vị trí công tác khác nhau nên khó khăn trong tổ chức các hoạt động; các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu chưa cụ thể, nhất là chưa có phương pháp, cách thức, nội dung giám sát của đại biểu, Tổ đại biểu.
Qua thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, chất lượng đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy trong công tác bầu cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cần tham mưu cấp ủy trong việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu; việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực; phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.
Bố trí xen ghép hợp lý đại biểu tái cử có nhiều kinh nghiệm
Trong hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu, theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cần phát huy vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong chỉ đạo, định hướng, điều hòa hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh kịp thời, dân chủ, bảo đảm điều kiện, môi trường cho đại biểu phát huy năng lực, sở trường, trí tuệ, tham gia vào mọi hoạt động của HĐND. Trong đó, chú ý định hướng thảo luận tại các kỳ họp, khích lệ đại biểu mới tự tin, bản lĩnh trong tham gia giám sát, chất vấn; bố trí xen ghép hợp lý đại biểu tái cử có nhiều kinh nghiệm cùng đại biểu mới trong từng hoạt động để tăng cường trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho đại biểu HĐND trứng cử lần đầu trong các hoạt động thực tế như giám sát, thẩm tra, thảo luận, chất vấn, TXCT.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đại biểu bằng nhiều hình thức; đa dạng nội dung nhưng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin; TXCT, giám sát, chất vấn, thẩm tra… Ngoài tập huấn ngay từ đầu nhiệm kỳ, hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND tỉnh tham gia các đợt tập huấn chuyên sâu theo chuyên đề, lĩnh vực do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức như thẩm tra, giám sát về lĩnh vực tài chính, ngân sách, về đầu tư công... Bên cạnh đó, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu thông qua các hội nghị giao ban, các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh.
Bảo đảm các điều kiện hoạt động, cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND. Từ nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã trang bị máy tính bảng cho đại biểu HĐND, thực hiện các kỳ họp không văn bản giấy, giúp đại biểu nhận tài liệu sớm để nghiên cứu. HĐND tỉnh đã ban hành quy chế hoạt động của HĐND.
Trong đó, có quy định cụ thể trách nhiệm và quyền của đại biểu, Tổ đại biểu và quy trình thực hiện một số hoạt động như tiếp công dân; về tiếp nhận, phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đôn đốc và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; quy định đánh giá, xếp loại hoạt động hằng năm và cả nhiệm kỳ của các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh... Các quy định này nhằm cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu trong thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đại biểu, mối quan hệ giữa đại biểu với HĐND, Thường trực HĐND, cử tri và các cơ quan liên quan.