Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương

Bài cuối: Đồng bộ các chính sách quản lý, sử dụng và đãi ngộ

- Thứ Ba, 15/08/2023, 07:32 - Chia sẻ

Nâng cao hiệu quả thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo việc sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân loại phù hợp với các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước giảm biên chế viên chức. Cùng với đó, chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách quản lý, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực hợp lý; quan tâm đào tạo theo địa chỉ sử dụng…

Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế được Nghị quyết Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh xác định do một số nơi, cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Một số sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ nhưng chưa chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch, đề án bảo đảm tiến độ, nội dung đã đề ra. Một số đơn vị chưa quan tâm công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chưa gắn đào tạo với bố trí, sử dụng sau đào tạo; công tác khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ở một số cơ quan, đơn vị chưa sát với thực tế nhiệm vụ được giao và vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, liên kết đào tạo văn hóa phổ thông cho học sinh trường nghề chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động trong liên kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, nhất là duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có. Việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề; khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin chung về tuyển dụng để phục vụ các doanh nghiệp, việc tổ chức học và thi các lớp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quan tâm kịp thời.

Trong lĩnh vực y tế, do áp lực từ dịch bệnh Covid-19, ngành y tế chưa kịp thời hoàn chỉnh Đề án tổng thể phát triển ngành y tế của tỉnh; các chính sách đặc thù của ngành y tế thời gian qua cũng chưa được tham mưu, xây dựng kịp thời…

Đặc biệt quan tâm nguồn nhân lực cho bệnh viện 1.500 giường

Từ thực tế trên, HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án vị trí việc làm gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW9. Trong bối cảnh chỉ tiêu biên chế chưa được điều chỉnh, UBND tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo việc sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo Chương trình số 77-Ctr/TU của Tỉnh ủy trên cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có phân loại phù hợp với các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước giảm biên chế viên chức.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách quản lý, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực hợp lý. Trong đó, đặc biệt quan tâm nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của bệnh viện 1.500 giường (dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023). Quan tâm đào tạo theo địa chỉ sử dụng, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần thường xuyên rà soát, xác định nhu cầu thu hút trong từng ngành, lĩnh vực phục vụ yêu cầu quản lý và phục vụ các dịch vụ công trong tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút đối với một số ngành phục vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, các lĩnh vực xây dựng, giao thông, quy hoạch và nhu cầu nhân lực y tế. Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh có thành tích xuất sắc của tỉnh, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động...

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng quy chế phối hợp trong công tác liên kết đào tạo văn hóa cho học sinh các trường Trung cấp nghề. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có giải pháp bảo đảm việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới các ngành nghề phù hợp với yêu cầu của người học.

Sở Khoa học và Công nghệ có giải pháp tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả nội dung tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phấn đấu vùng Đông Nam bộ đến năm 2050 là khu vực “Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á”…

NGUYỄN NHẬT