Sau sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh Quảng Nam giảm 479 thôn, giảm 4.731 người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách mỗi năm trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với các chức danh ở thôn được cải thiện nhiều hơn so với trước đó... Đây là những minh chứng rõ nét về hiệu quả việc sắp xếp, sáp nhập thôn theo chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Trung ương.
Kịp thời triển khai
Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho thấy: triển khai chủ trương “sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố” tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh ủy Quảng Nam đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 14.9.2018 về việc lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp thôn, tổ dân phố trên toàn tỉnh.
Ngay sau đó, các địa phương đã tập trung xây dựng Đề án tổ chức lại thôn, tổ dân phố, lấy ý kiến cử tri, Nhân dân. Quá trình thực hiện, có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc xây dựng Đề án bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, phương án sắp xếp nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và HĐND cấp xã, cấp huyện. Cuối năm 2018, HĐND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời thông qua Đề án sắp xếp thôn và ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi trong thực hiện chủ trương giảm số lượng thôn, bảo đảm quyền lợi các chức danh hoạt động ở thôn dôi dư, HĐND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ một lần theo từng nhóm đối tượng (mức 5 triệu đồng đối với người hoạt động không chuyên trách và mức 1 triệu đồng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn).
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cử tri và Nhân dân, đến ngày 1.4.2019 (tức chỉ 3 tháng sau khi có Nghị quyết 42 của HĐND) toàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại 1003 thôn để thành lập 515 thôn theo đúng lộ trình đề ra.
Hiệu quả rõ nét
Với việc sắp xếp, tổ chức lại 1003 thôn để thành lập 515 thôn mới, toàn tỉnh Quảng Nam đã giảm 479 thôn, từ 1719 thôn còn 1240 thôn. Ngoài giảm số người hoạt động không chuyên trách so với giảm số lượng thôn như trên, việc đồng thời thực hiện quy định về bố trí kiêm nhiệm chức danh (3 người đảm nhận 5 chức danh) cũng đã giúp tinh gọn bộ máy ở cơ sở khi đã giảm 4.731 người hoạt động không chuyên trách và giảm chi từ ngân sách mỗi năm trên 50 tỷ đồng.
Ngoài các kết quả mang tính định lượng nêu trên, theo đánh giá của các địa phương, việc giảm số lượng thôn đã giúp tập trung đầu mối công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người hoạt động không chuyên trách, cũng là điều kiện để HĐND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ bằng tháng, bổ sung chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế như quy định tại Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND.
Bên cạnh đó, với việc HĐND tỉnh kịp thời ban hành nhiều nghị quyết khác quy định mức bồi dưỡng, phụ cấp đối với các chức danh khác ở thôn như cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, tổ dân phố; tổ bảo vệ dân phố; công an viên, thôn đội trưởng; trưởng các chi hội ở thôn… đã tăng số chức danh được hưởng phụ cấp, bồi dưỡng giúp các thôn, tổ dân phố thuận lợi trong triển khai các công việc theo yêu cầu, nhất là ở những nơi diện tích, quy mô số hộ gia đình tăng lên sau sáp nhập.
Đối với các chi bộ được tổ chức theo thôn, việc giảm số lượng thôn đã tăng số lượng đảng viên trong các chi bộ. Tỷ lệ chi bộ có chi ủy sau sắp xếp lại thôn cao hơn trước. Cùng với đó, việc chú trọng công tác kiện toàn lại chi ủy chi bộ sau khi sáp nhập và thông qua việc thực hiện biểu quyết của tập thể chi bộ để đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ trước khi kết thúc buổi sinh hoạt đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở thôn.