Trăn trở, tìm giải pháp tối ưu
Cho đến năm 2019, sự đổi thay ban đầu nhờ ánh điện mới bắt đầu tại các ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của người dân xã Tân Trạch và Thượng Trạch, hưởng lợi từ Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình triển khai từ năm 2012. Chương trình được thực hiện tại 8 xã miền núi đặc biệt khó khăn điện lưới không đến được thuộc 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa, tác động đến gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công. Trong đó, có 2 xã Tân trạch và Thượng Trạch.
Theo quy chuẩn thiết kế điện vùng miền núi của Việt Nam và các tiêu chuẩn khác liên quan đến công suất phụ tải, dự án bảo đảm cung cấp điện cho các hộ gia đình, các đơn vị dịch vụ công tại địa phương với mức 3 bóng đèn led thắp sáng, 1 quạt điện, 1 tivi đối với hộ gia đình. Đối với đơn vị dịch vụ công, tùy nhu cầu thực tế, công suất được thiết kế từ 600 - 5.000W.
Việc triển khai dự án đã góp phần đáp ứng nhu cầu chiếu sáng sinh hoạt tối thiểu cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi và làm tiền đề cho phát triển văn minh, kết nối các bản làng cũng như cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Tuy nhiên, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tăng gia sản xuất của người dân và đáp ứng đời sống tinh thần, hệ thống điện mặt trời chưa thể đáp ứng được khả năng vận hành những trang thiết bị máy móc phục vụ ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến các sản phẩm thô…
Trong khi đó, với địa hình đồi núi hiểm trở, nằm sâu bên biên giới Việt Nam - Lào, lại ẩn mình sau cánh rừng già của vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc đưa điện lưới đến với người dân và đồng bào các xã Thượng Trạch, Tân Trạch trở thành trăn trở của các cấp, ngành.
Chia sẻ về chuyến thực tế đến với 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng từng trăn trở với câu hỏi: Tại sao 2 xã trên đất liền lại chưa thể có điện mà chỉ khi có điện lưới, cuộc sống mới có thể đổi thay thực sự. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đã gặp phải nhiều vướng mắc. Đặc biệt là những quan ngại về ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới. Do đó, việc thi công qua địa phận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gần như là bất khả thi. Chuyến đi đã mang đến nhiều trăn trở đối với các cấp, ngành, với mong muốn khẩn trương hoàn thiện chính sách, để có căn cứ thật sâu, sát thực tế, đáp ứng mong mỏi của người dân cần.
Định hướng và thực hiện
Dẫn điện lưới về các xã biên giới trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thực sự là bài toán khó. Dù vậy, quyết tâm “nhất định mang ánh sáng về bản” luôn thường trực trong định hướng phát triển của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình. Đến năm 2022, dự án kéo điện xuyên vùng lõi di sản Phong Nha - Kẻ Bàng đã được thông qua, nhằm sớm mang điện về vùng bản xa, tạo sự đổi thay rõ rệt trong sản xuất và đời sống nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí bảo vệ di sản.
Sau chuyến đi kiểm tra đời sống, sản xuất của đồng bào hai xã, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã chỉ đạo huyện Bố Trạch phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cấp điện phù hợp; báo cáo UBND tỉnh để nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống cho bà con. Đến ngày 30.12.2021, trên cơ sở Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 10.12.2021 của HĐND tỉnh Quảng Bình về Kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4655/QĐ-UBND về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) được bố trí với tổng nguồn vốn 110 tỷ đồng, thi công trong thời gian từ năm 2022 - 2024.
Ngày 14.6.2022, dự án cấp lưới điện cho 2 xã biên giới được chính thức khởi công, song song với Dự án nâng cấp đường 20 Quyết Thắng - con đường chiến lược xuyên Việt đã đi vào sử sách dân tộc, là đầu mối trong hệ thống Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và được thống nhất thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, nghị quyết của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai. Đối với hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, điện lưới không chỉ góp phần bảo đảm an sinh, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống mà còn góp phần quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách vùng miền giữa các địa phương trong tỉnh.