Hạn chế tình trạng phó thác cho đơn vị tư vấn
Giám sát chuyên đề công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương ghi nhận: việc quy định rõ thẩm quyền cho từng ngành, từng cấp và người đứng đầu tại đơn vị, địa phương tạo chủ động gắn với ràng buộc rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. Hệ thống đô thị được quy hoạch, phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại. Công tác quản lý đô thị được thực hiện bài bản hơn, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giữa các cấp độ (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết), trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ngắn và dài hạn.
Kết quả công tác quy hoạch đã có chuyển biến tích cực, hạn chế được tình trạng phó thác cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch được nâng lên rõ rệt; quy trình, thủ tục lập, thẩm định các đồ án quy hoạch cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng các đồ án quy hoạch dần được nâng cao, các định hướng phát triển chiến lược, tầm nhìn quy hoạch được nâng lên rõ rệt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, tạo được tính kết nối liên vùng. Đến nay, hầu hết các đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bước đầu đã hình thành được một số khu đô thị mới gắn với đầu tư xây dựng không gian công cộng, công trình kiến trúc điểm nhấn như: Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình; Khu đô thị Phú Quý; Khu đô thị mới phía Nam thành phố Hải Dương; Khu đô thị sinh thái Thành Công; Khu đô thị mới thị trấn Thanh Miện...
Nhiều sai phạm chưa được xử lý triệt để
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đô thị tuy đã được quan tâm nhưng theo đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra: việc rà soát, đánh giá quy hoạch chưa được thực hiện kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với các trường hợp sau cấp phép chưa thường xuyên, cá biệt có địa phương không kiểm tra, giám sát; việc công bố, công khai một số đồ án quy hoạch còn chậm.
Đến thời điểm giám sát, UBND tỉnh chưa hoàn thành rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương, thay thế Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 được phê duyệt năm 2017. Việc lập, trình thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn còn chậm, chưa bảo đảm tuân thủ đúng thời gian theo quy định. Đến nay chưa hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Bình Giang và các quy hoạch phân khu đô thị tại thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh. Chất lượng quy hoạch ở một số thời điểm, nhất là trong giai đoạn trước chưa cao, chưa hoạch định tốt định hướng phát triển dài hạn, thiếu tính đồng bộ (quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và chương trình phát triển nhà) nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Việc phát triển mở rộng đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng với mật độ thấp và phân tán. Chất lượng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị, tính liên kết còn yếu. Quy hoạch, phát triển không gian ngầm chưa được quan tâm. Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới trên địa bàn hiện đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu. Đến hết năm 2023, có tổng số 93 dự án khu dân cư, khu đô thị và điểm dân cư trên địa bàn đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, trong đó có 49 dự án chưa được giao đất với diện tích 693,79ha.
Đoàn giám sát thẳng thắn nhìn nhận: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị và một số dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở chậm, không gian công cộng còn thiếu, tỷ lệ cây xanh đạt thấp, ít công trình điểm nhấn kiến trúc, nhất là tại các cửa ngõ. Việc phát triển cây xanh, không gian xanh tại các đô thị hầu như chưa được quan tâm, mới chú trọng ở các tuyến đường chính; chưa xây dựng được quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh cũng như cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều diện tích ao hồ dần bị lấn chiếm, san lấp, chuyển mục đích sử dụng dẫn đến tình trạng úng ngập, giảm khả năng điều hòa không khí và tự làm sạch môi trường. Nhiều sai phạm về quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị, nhất là từ giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…