Thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đề ra những quy định về trách nhiệm của HĐND cao hơn so với quy định trong Luật. Trong đó, có quy định về giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri theo hướng: Ban HĐND giám sát với góc độ cơ quan chuyên môn; Tổ đại biểu giám sát dưới góc độ địa bàn ứng cử để tổng hợp kết quả đánh giá chung; trường hợp Ban và Tổ đại biểu có ý kiến khác nhau thì Thường trực HĐND có ý kiến sau cùng.
Khung pháp lý, động lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sau 7 năm thực hiện đã chứng minh được vai trò, hiệu quả đối với hoạt động giám sát - một trong hai hoạt động cơ bản của các cơ quan dân cử. Ngay từ khi được ban hành, Luật đã đáp ứng được sự mong chờ của các cơ quan dân cử vì đây là lần đầu tiên hoạt động giám sát được luật hóa và cụ thể hóa trong một văn bản pháp luật riêng, là khung pháp lý, động lực để HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, giúp cho hoạt động giám sát trong phạm vi cả nước có sự tương đồng.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành khảo sát một khu nhà trọ công nhân ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Ảnh: Hải Yến
Với quy trình giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch không chỉ tạo thuận lợi cho chủ thể giám sát mà còn giúp đơn vị chịu sự giám sát ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chịu sự giám sát thường xuyên của HĐND. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; chủ động trong việc chấp hành quyết định giám sát; hiểu rõ hơn ý nghĩa, vai trò của hoạt động giám sát đối với công tác quản lý nhà nước, từ đó góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐND các cấp đều ban hành Quy chế hoạt động toàn khóa, cụ thể các nội dung của Luật phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thực tế của địa phương. Trong đó, đã mạnh dạn đề ra những quy định về trách nhiệm của HĐND cao hơn so với quy định trong Luật.
Theo đó, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 31.8.2021 của HĐND tỉnh về chương trình hoạt động toàn khóa quy định HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề mỗi năm ít nhất 1 nội dung. Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 30.7.2021 của HĐND tỉnh Khóa X quy định: căn cứ vào chương trình công tác hàng năm của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình hoạt động; kế hoạch khảo sát, giám sát việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn ít nhất một nội dung/năm hoặc khảo sát, giám sát các nội dung khác do Thường trực HĐND tỉnh phân công. Quy định về giám sát việc giải quyết ý kiến của cử tri theo hướng: Ban HĐND giám sát với góc độ cơ quan chuyên môn; Tổ đại biểu giám sát dưới góc độ địa bàn ứng cử để tổng hợp kết quả đánh giá chung; trường hợp Ban và Tổ đại biểu có ý kiến khác nhau thì Thường trực HĐND có ý kiến sau cùng.
Thêm công cụ thực thi quyền giám sát khoa học, công khai hơn
Cũng theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều điểm chưa rõ trong Luật càng tạo thuận lợi cho HĐND các địa phương trong thực hiện chức năng giám sát, nhất là những quy định mới rất chặt chẽ và cần thiết tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát.
Cụ thể, Điều 5 quy định về lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm. Điều 8 và Điều 11 quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND. Điều 10 quy định về quyền tranh luận của đại biểu trong Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND hoặc Nội quy kỳ họp HĐND. Điều 18 quy định về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND trong trường hợp Tổ đại biểu chủ động giám sát theo thẩm quyền thì Tổ trưởng báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp về kế hoạch, nội dung, đối tượng giám sát và thành phần tham gia giám sát trước khi thực hiện.
Đặc biệt, Điều 24 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nếu có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan…
Điều 28 giúp HĐND có thêm công cụ để thực thi quyền giám sát khoa học, hiệu quả và công khai hơn. Theo đó, sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.