Một số kinh nghiệm thẩm tra, giám sát của HĐND cấp huyện tỉnh Hà Giang

Bài 1: Giám sát trực tiếp, khảo sát cơ bản

- Thứ Bảy, 22/04/2023, 05:20 - Chia sẻ

Theo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Yên Minh, Hà Giang, phương thức giám sát cần chú trọng kết hợp giữa giám sát trực tiếp tại thực địa đối với các công trình, dự án, khảo sát cơ bản toàn diện đối với các mô hình kinh tế, đối chiếu với hồ sơ, sổ sách liên quan và nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị thực... Qua đó, giúp đoàn giám sát đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Cơ sở xem xét, đối chiếu việc thực hiện

Lĩnh vực phụ trách của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện khá rộng, do đó khi lựa chọn nội dung trình Thường trực HĐND phê chuẩn Nghị quyết ban hành chương trình giám sát, Ban lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những vẫn đề bức xúc do yếu tố khách quan hoặc chủ quan các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết chưa triệt để; đồng thời, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Thường trực HĐND huyện để lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát cho phù hợp... phải xem xét cụ thể nhiều nội dung để cân nhắc và đưa vào chương trình giám sát những nội dung nổi cộm, cần thiết, đúng thời điểm giám sát nhất.

Đoàn giám sát HĐND huyện Yên Minh giám sát việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển cây cam sành Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh Mai Thức
Đoàn giám sát HĐND huyện Yên Minh khảo sát việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển cây cam sành Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Mai Thức

Thu thập, nghiên cứu tài liệu liên quan đến nội dung giám sát là bước hết sức quan trọng để xây dựng nội dung giám sát. Theo kinh nghiệm thực tế của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Yên Minh, nội dung giám sát được quy định rõ sẽ tạo điều kiện tốt cho đoàn giám sát có cơ sở đi sâu xem xét kết quả thực hiện cũng như đối chiếu việc thực hiện với các quy định của pháp luật. Trên thực tế, thu thập tài liệu là việc làm không dễ, thường tự tìm qua mạng, tự sưu tầm và có sự phối hợp tốt với Văn phòng HĐND và UBND, khi chuẩn bị giám sát, có văn bản đề nghị Văn phòng cung cấp tư liệu.

Trước khi tổ chức giám sát, cần xây dựng kế hoạch, kế hoạch xác định rõ sự cần thiết tổ chức giám sát, những mục đích và yêu cầu cần đạt được của việc giám sát. Chương trình và thời gian giám sát cần được thiết kế khoa học, phù hợp. Đề cương cần chi tiết, cụ thể, cho từng nhóm đối tượng giám sát, tập trung vào mục tiêu giám sát để giúp đối tượng được giám sát báo cáo rõ ràng, giúp cho đoàn giám sát nắm bắt nhiều thông tin để phân tích, tổng hợp các nội dung giám sát có hệ thống, đúng hướng. Giảm được thời gian đơn vị giám sát phải trình báo cáo, tăng thời gian trao đổi thông tin, làm rõ các vấn đề mà thành viên đoàn giám sát quan tâm. Đồng thời, bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ báo cáo, thông tin liên quan cho các thành viên trong đoàn giám sát; mỗi thành viên trong đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát và các thông tin liên quan trước khi tiến hành giám sát trực tiếp.

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp sát đến ngày giám sát, Ban của HĐND mới nhận được báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát. Có lúc rất nhiều báo cáo chỉ được cung cấp tại buổi làm việc nên không kịp đọc trước, nghiên cứu. Do vậy, phải thông báo gửi kế hoạch giám sát trước ngày tổ chức giám sát ít nhất 15 ngày và yêu cầu các đơn vị giám sát gửi báo cáo đến Ban của HĐND trước ngày giám sát 7 ngày để Ban có điều kiện nghiên cứu trước báo cáo.

Đánh giá khách quan, toàn diện

Theo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Yên Minh, phương thức giám sát chú trọng kết hợp giữa tổ chức giám sát trực tiếp tại thực địa đối với các công trình, dự án, khảo sát cơ bản toàn diện đối với các mô hình kinh tế, đối chiếu với hồ sơ, sổ sách liên quan và nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị thực. Qua đó, giúp đoàn giám sát đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Tại buổi làm việc với đơn vị chịu sự giám sát, mỗi thành viên đoàn giám sát cần nêu chính kiến về đánh giá kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thi hành công vụ, thực thi nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát. Báo cáo kết quả giám sát bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện và có sự thống nhất của các thành viên đoàn giám sát với cơ quan, đơn vị liên quan; quy trình trên phải thực hiện đồng bộ thì kết quả giám sát mới có chất lượng như mong muốn.

Thường trong báo cáo kết quả giám sát hoặc thông báo kết luận giám sát, trong phần kiến nghị bao giờ cũng nêu rõ là kiến nghị ai, kiến nghị cái gì, thời gian thực hiện. Để các kiến nghị được thực hiện hiệu quả thì sau khi giám sát, Ban cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc xem xét, tiếp thu, giải quyết hoặc trả lời các kiến nghị của các đơn vị chịu sự giám sát. Khi tiếp nhận kết quả giải quyết của các đơn vị chịu sự giám sát, Ban của HĐND cũng cần kiểm tra xem có đúng hay không? Kết quả thực hiện như thế nào? Khi cần thiết, Ban của HĐND có thể làm văn bản nhắc nhở hoặc tổ chức đoàn tái giám sát để tiếp tục đôn đốc việc thực hiện.

PHƯƠNG MINH