Không chỉ chủ động sớm trong thẩm tra

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:21 - Chia sẻ

Cùng với việc các Ban HĐND chủ động tiếp cận sớm các thông tin thẩm tra ngay từ khâu chuẩn bị đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; kết hợp linh hoạt các phương thức nghiên cứu tài liệu với khảo sát, giám sát thực tế, nét mới trong công tác thẩm tra của HĐND tỉnh Bình Thuận là sau khi các ban thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì tổ chức họp nghe và cho ý kiến các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp. Trên cơ sở thẩm tra của các ban, ý kiến của Thường trực, đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết phù hợp với báo cáo thẩm tra; những nội dung chưa bảo đảm đề nghị chuẩn bị lại hồ sơ, trình các kỳ họp sau.

Nâng cao chất lượng dự thảo, rút ngắn thời gian kỳ họp

Trước mỗi kỳ họp thường lệ khoảng 4 tháng, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản xác định những công việc liên quan gắn với mốc thời gian hoàn thành cụ thể của từng cơ quan. Việc chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình ra kỳ họp được thực hiện ngày càng chặt chẽ, nền nếp và bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung), nhất là đối với những nghị quyết mang tính chất đặc thù của địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận cho ý kiến vào một số tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 7 - ảnh NGUYỄN THÚY
Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận cho ý kiến vào một số tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Nguyễn Thúy

Các Ban HĐND tỉnh chủ động tiếp cận sớm các thông tin về nội dung thẩm tra ngay từ khâu chuẩn bị đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; kết hợp linh hoạt các phương thức nghiên cứu tài liệu với tổ chức giám sát, khảo sát thực tế. Nét mới là sau khi các Ban thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì tổ chức họp nghe và cho ý kiến các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp. Trên cơ sở thẩm tra và ý kiến của các thành viên Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết phù hợp với nội dung báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; những nội dung UBND tỉnh trình, qua xem xét thấy chưa bảo đảm, chưa thật sự cần thiết thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị lại hồ sơ và trình các kỳ họp sau. Nhờ vậy, các dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh đều được đại biểu đồng thuận cao, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo nghị quyết và rút ngắn thời gian kỳ họp.

Thường trực HĐND tỉnh chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và dành thời gian hợp lý của kỳ họp cho hoạt động chất vấn; yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị chu đáo nội dung trả lời. HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp làm cơ sở để các ban, đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục giám sát việc thực hiện của UBND tỉnh và các sở, ngành. Tại kỳ họp HĐND tỉnh kế tiếp, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh mà UBND tỉnh đã trả lời tại kỳ họp trước.

Quy định cụ thể trách nhiệm từng bên trong phối hợp

Mặc dù công tác rà soát tiến độ, quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ họp đã được Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, chặt chẽ nhưng vẫn còn một số tờ trình kèm dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh gửi cận thời gian diễn ra kỳ họp nên khó khăn trong công tác thẩm tra của các Ban và việc cho ý kiến của tập thể Thường trực HĐND tỉnh. Đồng thời, sau khi Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến về nội dung các Tờ trình kèm dự thảo nghị quyết, Văn phòng UBND tỉnh và các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh còn chậm nên không bảo đảm về thời gian gửi tài liệu cho đại biểu HĐND tỉnh chậm nhất 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp theo quy định...

Vì vậy, để làm tốt hơn công tác phối hợp tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình, quy định liên quan đến hoạt động HĐND. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, đề xuất việc tiếp tục bổ sung, điều chỉnh Quy chế phối hợp. Trong đó, quy định thật cụ thể nội dung, phương thức, trách nhiệm của từng bên trong việc thực hiện nội dung phối hợp, các điều kiện bảo đảm việc thực hiện. Đồng thời, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong mối quan hệ phối hợp hoạt động.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể hơn cơ chế phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBND và Ủy ban MTTQ; sớm ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp để sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được thuận lợi, hiệu quả hơn. Cùng với đó, quy định chế tài xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân để chậm trễ hoặc cố tình không giải quyết đúng thời hạn các ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri, đặc biệt là không tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần; quy định chế tài đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, giải quyết theo đúng những kiến nghị của HĐND sau giám sát.

KHÁNH NGỌC