Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XVI

Bố trí 23.524 tỷ đồng triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 05:47 - Chia sẻ

Với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối đô thị trung tâm với các khu vực ngoại thành, đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường liên kết vùng, ngày 20.5, tại Kỳ họp thứ 5 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố Hà Nội đã quyết nghị, thống nhất chủ trương bố trí 23.524 tỷ đồng từ ngân sách thành phố triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.  

Cam kết bảo đảm vốn thực hiện theo tiến độ

Trình bày Tờ trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường. Đồng thời, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Bố trí 23.524 tỷ đồng triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô -0
Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô

Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT; tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Dự kiến tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng (vốn ngân sách TP. Hà Nội dự kiến là 23.524 tỷ đồng); hoàn thành năm 2027. "UBND thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ", Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga đánh giá: Nguồn vốn thực hiện Dự án được sử dụng từ nguồn vốn bố trí cho các dự án lớn và từ nguồn dự phòng hoàn toàn phù hợp, nằm trong phạm vi tổng mức vốn đã được cân đối huy động của thành phố. Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách vẫn đề nghị UBND thành phố có kế hoạch, phương án, lộ trình cụ thể trong cân đối và huy động các nguồn lực tài chính hàng năm bảo đảm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ của Dự án cũng như các dự án khác của thành phố.

Bà Hồ Vân Nga cũng lưu ý, việc thành phố tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí vốn thi công hoàn thành Dự án trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 là cần thiết và có tính khả thi bởi trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án tăng, việc bảo đảm nguồn vốn tăng để có thể đáp ứng nhu cầu và tiến độ thực hiện của Dự án là hết sức cần thiết. "Trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho Dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026 - 2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách thành phố", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh.

Cần khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên tuyến đường

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị: Thành phố cần chỉ đạo các cấp, địa phương áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thống nhất, minh bạch, đúng quy định; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện gây bất ổn an ninh, chính trị ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Minh, đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, các công trình phụ trợ như cầu, đường phải được đầu tư xứng tầm. Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải đề nghị, khi thiết kế cầu trong dự án, ngoài chức năng giao thông cần chú ý đến yếu tố thẩm mỹ để biến các công trình cầu, đường thành công trình văn hóa, điển hình như cầu Nhật Tân.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, ngay sau kỳ họp, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm được hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong thời gian tới, UBND thành phố cần khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án theo Thông báo ngày 15.5.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Ba. Cùng với đó, triển khai các giải pháp tăng cường nguồn lực, bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên tuyến đường và cơ chế để huy động tối đa nguồn lực triển khai, thực hiện dự án.

"Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát việc triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của thành phố bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật", Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

PHI LONG