Chuyện một người thầy tâm huyết

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 20:42 - Chia sẻ
Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi “Nghề thầy” được xuất bản lần đầu tiên (1944). Cuốn sách tuy mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề, nhưng kì lạ thay, nhưng đa số những vấn đề tác giả đặt ra, bàn luận cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí còn rất mới.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Nhã Nam ra mắt tác phẩm “Nghề thầy” của Hoàng Đạo Thúy. Đó là những lời gan ruột của một người thầy nổi tiếng, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên.

Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) là một nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội Việt Nam.
Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) là một nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội Việt Nam.

Ngay từ 80 năm trước, Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ mục đích của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Từ mục đích đó, cụ cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.

Hoàng Đạo Thúy cũng có ý thức rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Cuốn “Nghề thầy” dành dung lượng đáng kể cho việc phân tích nội dung này. Theo đó, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai bằng việc thực hiện phép thai giáo. Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của trẻ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng.

Người thầy - nghề thầy trong con mắt Hoàng Đạo Thúy không chỉ thuần túy là dạy học

Nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện, theo cách diễn đạt của tác giả Hoàng Đạo Thúy thì nhà giáo dục phải để tâm đến “đức, chí, thể, trí, công”, đặc biệt coi trọng “chí”. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không, có học giỏi hay không mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có chí.

Cuốn sách cũng đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn. Giáo dục với người thầy cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hằng ngày hằng giờ với những việc nhỏ nhặt nhất như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công… Ở từng việc, Hoàng Đạo Thúy đều chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp quý giá đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình.

Cuối cùng, tác giả đã phân tích rất hay về sứ mệnh của người thầy và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho người thầy những việc cần làm để hoàn thành sứ mệnh ấy. Theo Hoàng Đạo Thúy, người thầy phải có niềm tin. Niềm tin ấy sẽ có được khi người thầy “đủ lòng yêu trẻ”, “đủ lòng tin ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được” từ đó “cả quyết rằng việc giáo dục thanh niên là việc mình, là cả đời mình”.

Người thầy - nghề thầy trong con mắt Hoàng Đạo Thúy không chỉ thuần túy là “dạy học” mà người thầy, cho dù chỉ là một thầy giáo làng đi nữa, đích thực là một nhà khai sáng kiêm nhà hoạt động xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thay thế những từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua bằng từ ngữ đang được dùng phổ biến ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỷ XXI.

Thái Minh